Giá cao su vẫn bốc đồng tăng mạnh, thị trường còn biến động lớn bởi "ẩn số Trung Quốc"
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 25/3/2022, lúc 17h00, kỳ hạn tháng 7/2022, tăng mạnh lên mức 255,6 Yen/kg, tăng mạnh 1,9 Yen, tương đương 0,74%.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE): Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Thượng Hải tăng nhẹ 60 CNY, lên mức 13.410 CNY/tấn, tương đương 0,45%.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng phiên thứ 5 liên tiếp, do đồng Yen suy yếu so với đồng USD, nguồn cung hạn chế và thị trường chứng khoán Tokyo tăng mạnh.
Mưa lớn tại Thái Lan trong tuần qua đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mủ cao su, khiến nguồn nguyên liệu thô thắt chặt và đầy giá tăng cao.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, tháng 1/2022, Thái Lan xuất khẩu được 446,61 nghìn tấn cao su (mã HS: 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 24,79 tỷ Baht (tương đương 750,67 triệu USD), tăng 26% về lượng và tăng 41,1% về trị giá so với tháng 1/2021.
Trung Quốc, Malaysia, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ là 5 thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Thái Lan trong tháng 1/2022. Trong đó, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 48,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan trong tháng 1/2022 với 215,66 nghìn tấn, trị giá 11,87 tỷ Baht (tương đương với 359,35 triệu USD), tăng 38,9% về lượng và tăng 68,4% về trị giá so với tháng 1/2021. (Tỷ giá 1 Baht = 0,03028 USD).
Xuất khẩu cao su của Malaysia trong tháng 1/2022 đạt 51,15 nghìn tấn, tăng 11,3% so với tháng 12/2021 và tăng 6,3% so với tháng 1/2021. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Malaysia, chiếm 37,7% tổng lượng cao su xuất khẩu của Malaysia.
Tổng lượng cao su tự nhiên dự trữ tại Malaysia tính đến cuối tháng 01/2022 ở mức 310,05 nghìn tấn, tăng 8,7% so với tháng 12/2021 và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 01/2022, sản lượng cao su tự nhiên của Malaysia đạt 49,08 nghìn tấn, tăng 17,7% so với tháng 12/2021 và tăng 7,3% so với tháng 01/2021.
Những thông tin trên cho thấy Trung Quốc là thị trường lớn mà cao su nước nào cũng nhắm đến. Thị trường Trung Quốc, do đó đang là ẩn số lớn của biến động giá cao su. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 67.000 tấn, tương đương 117 triệu USD, giảm 53% về lượng và giảm 52% về trị giá so với tháng 1. Dù vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 66% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 210.000 tấn cao su, tương đương 361 triệu USD, giảm 3% về lượng nhưng tăng 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Đại diện Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) cho biết, doanh nghiệp cao su của Việt Nam hưởng lợi khi mỗi tháng Trung Quốc cần nhập khẩu 385.000 tấn cao su. Tuy nhiên, chính sách "Zero Covid" đang gây gián đoạn chuỗi vận tải biển, ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Trong 10 ngày giữa tháng 3/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước giữ ổn định so với 10 ngày trước đó. Tại Bình Phước, mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 330-340 đồng/độ mủ. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 348-350 đồng/độ TSC. Giá mủ cao su Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 310- 320 đồng/độ TSC.