Giá cau tại Quảng Ngãi tăng gấp đôi
Huyện miền núi Sơn Tây được biết đến như “thủ phủ” của cau. Những ngày này, thương lái khắp nơi liên tục đổ xô về đây để thu mua cau tại vườn người dân. Được giá, nên các chủ vườn cũng tranh thủ hái bán kiếm tiền.
Thương lái Nguyễn Anh Tuấn lý giải, nguyên nhân khiến giá cao tăng vọt là do sức tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Ngoài ra, do cuối vụ, sản lượng cau giảm sút khiến mặt hàng này khan hiếm dẫn đến việc đội giá do nguồn cầu tương đối lớn.
Ông Võ Đoàn, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây trồng khoảng 600 gốc cau. Ông Đoàn cho biết, đây là năm đầu tiên giá cau đạt đỉnh, so với đầu vụ thì tăng gấp đôi. Gia đình ông thuê người đến hái liên tục, tới thời điểm hiện tại đã bán được hơn 5 tạ cau, thu về 15 triệu đồng. Chỉ trong vòng 10 ngày mà có số tiền lớn như vậy quả thật rất vui mừng, chẳng khác gì “lộc” trời ban.
“Trung bình mỗi ngày thương lái chúng tôi thu mua khoảng từ 1-4 tạ cau trong dân. Đối với hàng đẹp (quả cau to, đều) thì mua với giá 35.000 đồng/kg; đối với hàng sô (quả lớn, nhỏ xen nhau) thì mua với giá thấp hơn vì khi đem về nhà còn phải phân loại lại. Sau khi trừ chi phí, mỗi người có thể kiếm được từ 500.000- 600.000 đồng/ngày”, anh Cao Văn Nam, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà phấn khởi chia sẻ.
Ông Đinh Công Lập, Phó phòng Nông nghiệp huyện Sơn Tây thông tin, toàn huyện hiện trồng khoảng 830ha cau; trong đó, hộ nhiều nhất sở hữu 7 - 8ha, hộ ít có 300- 400 gốc (chủ yếu trồng xen kẽ với các loại cây khác).
Việc giá cau tăng đã giúp nhiều hộ dân có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Hy vọng, mức giá này sẽ giữ ổn định trong thời gian tới để giống cây trồng “chủ lực” thực sự phát huy sứ mệnh xóa nghèo cho bà con.