Gia đình ông Nguyễn Đức Chung bị kê biên những căn hộ, nhà đất nào?

15/08/2021 10:28 GMT+7
Xác định thiệt hại của vụ án là hơn 36 tỷ đồng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã áp dụng lệnh kê biên tài sản đối với 3 bất động sản của gia đình ông Nguyễn Đức Chung để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án.

Kê biên 3 bất động sản của gia đình ông Nguyễn Đức Chung

Như Etime đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra, đồng thời đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội; Võ Tiến Hùng, nguyên tổng giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội; và Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic, cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong vụ án, Cơ quan điều tra đã ra lệnh kê biên tài sản đối với 3 nhà, đất của ông Nguyễn Đức Chung.

Cụ thể, gồm: nhà, đất có diện tích 102,7 m2 tại 88 phố Trung Liệt, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội - căn nhà ông Chung sử dụng thường xuyên cho đến khi bị bắt; căn hộ chung cư có diện tích 175,7 m2 số 2B12A, Nhà R3- 72A Nguyễn Trãi và căn hộ chung cư có diện tích 175,7 m2 số 12B15, Nhà R3- 72A Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng áp dụng lệnh kê biên nhà, đất diện tích hơn 139 m2 của bị can Võ Tiến Hùng tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; kê biên căn hộ chung cư diện tích hơn 114 m2 của bị can Võ Trường Giang tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Gia đình ông Nguyễn Đức Chung bị kê biên những căn hộ, nhà đất nào? - Ảnh 1.

Các bị can Nguyễn Đức Chung (trái), Nguyễn Trường Giang (giữa) và Võ Tiến Hùng. Ảnh: Bộ Công an.

Kết luận điều tra xác định, tháng 5/2016, ông Nguyễn Đức Chung đã định hướng mua chế phẩm Redoxy 3C của hãng Watch Water GmbH (Đức) để thay thế hóa chất đang sử dụng. Theo đó, ông Chung cử đoàn công tác sang Đức để làm việc, đàm phán, đặt hàng với hãng Watch Water GmbH và quyết định lựa chọn chế phẩm Redoxy 3C.

Tháng 8/2016, ông Chung có văn bản chỉ đạo Công ty Thoát nước mua chế phẩm Redoxy 3C trực tiếp từ hãng Watch Water GmbH. Mặc dù chỉ đạo bằng văn bản là mua trực tiếp hoá chất với nhà sản xuất nhưng ông Chung lại chỉ đạo miệng đối với ông Võ Tiến Hùng và yêu cầu mua chế phẩm qua Công ty Arktic, không mua trực tiếp từ hãng như trong văn bản.

Theo đó, từ năm 2016 đến năm 2019, Công ty Thoát nước đã ký 15 Hợp đồng kinh tế mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Arktic với tổng khối lượng là 489.080 kg, trị giá hơn 167 tỉ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định thiệt hại của vụ án là số tiền chênh lệnh giữa giá của hãng Watch Water GmbH (8,5 EURO/1kg) bán cho Công ty Arktic và giá Công ty Thoát nước mua của Công ty Arktic (từ 295.000 đồng/1kg đến 326.000 đồng/1kg) là hơn 36 tỉ đồng.

Bị can Nguyễn Đức Chung xin khắc phục hậu quả

Kết luận điều tra cho thấy sau khi Hà Nội ban hành kết luận thanh tra liên quan việc mua và sử dụng Redoxy 3C, trong đó có nội dung liên quan đến gia đình bị Chung, bị can đã chỉ đạo Thanh tra Hà Nội phải viết lại kết luận dựa theo ý kiến của ông ta.

Quá trình điều tra, bị can này Chung thừa nhận đưa thông tin không chính xác và can thiệp, gây sức ép, đe dọa và chỉ đạo Chánh thanh tra TP. Hà Nội và tổ liên ngành phải ban hành kết luận thanh tra theo hướng không có sai phạm. Mục đích của việc làm này nhằm trục lợi cho cá nhân và gia đình bị can Chung.

Bị can Chung cũng xin chịu trách nhiệm do chỉ đạo mua chế phẩm của Đức để thử nghiệm nhưng chỉ đối với 2 hợp đồng mua gần 20 kg Redoxy 3C với giá khoảng 7 tỷ đồng. Khi cơ quan điều tra xác định rõ thiệt hại, cựu Chủ tịch Hà Nội xin được liên hệ với gia đình để thu xếp tiền khắc phục hậu quả.

Kế "ve sầu thoát xác" của ông Nguyễn Đức Chung

Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Nguyễn Đức Chung đã dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt (chỉ đạo miệng trái với chỉ đạo bằng văn bản), hợp thức hóa hồ sơ pháp lý, đổ tội cho người khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc cấp dưới nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Cuối năm 2015, Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị can Nguyễn Đức Chung) bỏ 100% vốn (5 tỉ đồng) và làm thủ tục thành lập Công ty Arktic, lấy tên con trai (Nguyễn Đức Hạnh) tham gia đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh. Trên thực tế, Nguyễn Đức Hạnh không nộp tiền vốn điều lệ, không tham gia quản lý, điều hành công ty.

Đến giữa năm 2016, lo ngại việc để Nguyễn Đức Hạnh đứng tên sẽ ảnh hưởng đến uy tín của bị can Chung, bà Hoa đã bàn bạc và chuyển nhượng lại 60% phần vốn sang cho bị can Nguyễn Trường Giang (người có mối quan hệ thân thiết với gia đình bị can Chung) và 40% còn lại do người quen của ông Chung đứng tên.

"Toàn bộ hồ sơ đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Arktic đều do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa thực hiện và tự ký giả chữ ký của Nguyễn Đức Hạnh", kết luận điều tra nêu.

Tháng 6/2016, bà Hoa làm giả hồ sơ chuyển nhượng cổ phần để thay đổi thành viên góp vốn từ Đào Xuân Tấn sang Nguyễn Trường Giang.

Một tháng sau, bà Hoa tiếp tục làm giả hồ sơ chuyển nhượng cổ phần để thay đổi thành viên góp vốn từ Nguyễn Đức Hạnh sang Nguyễn Trường Giang (tổng cộng, Giang đứng tên sở hữu 60%) và Nguyễn Thị Bích Hằng (đứng tên sở hữu 40%).

Tài liệu điều tra xác định không có việc mua, bán, không có việc thanh toán tiền giữa các bên chuyển nhượng phần vốn góp.

Trụ sở chính của Công ty Arktic đặt tại siêu thị Minh Hoa của gia đình ông Nguyễn Đức Chung trên phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa sau cũng được chuyển đi nơi khác sau khi Thanh tra TP vào cuộc.

Kết luận điều tra cũng xác định, sau khi làm thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp của Nguyễn Đức Hạnh cho Nguyễn Thị Bích Hằng, Nguyễn Trường Giang, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa không tham gia quản lý, điều hành Công ty Arktic, không biết bà Hằng đứng tên sở hữu 40% vốn điều lệ hộ gia đình.

Hơn nữa, việc làm thủ tục chuyển nhượng 40% vốn điều lệ công ty từ Nguyễn Đức Hạnh sang Nguyễn Thị Bích Hằng là do ông Chung chỉ đạo để che giấu hành vi phạm tội. Bà Hằng ký hồ sơ chuyển nhượng phần vốn góp do ông Chung đề nghị nhưng không tham gia bất kỳ hoạt động gì của Công ty Arktic, không biết Công ty Arktic là công ty nào.



PV
Cùng chuyên mục