Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh
Giá gạo Việt Nam tăng tuần thứ 3 liên tiếp
Giá lúa gạo hôm nay 11/12 tại Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng đi ngang tại các địa phương. Hiện nếp tươi An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 7.000 – 7.200 đòng/kg; nếp Long An tuoi 7.850 – 8.000 đồng/kg; OM 5451 6.400 – 6.600 đồng/kg.
Đài thơm 8 6.800 – 6.900 đồng/kg; nàng hoa 9 6.900 – 7.200 đồng/kg; OM 18 6.700 - 7.000 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm cũng không có biến động. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.300 – 9.400 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.100 – 10.200 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm,giá chững lại và có xu hướng đi ngang. Hiện giá tấm duy trì ổn định ở mức 9.600 đồng/kg; cám khô ở mức 8.500 – 8.600 đồng/kg.
Trong tuần qua, giá lúa gạo nội địa khá ổn định, giao dịch đều. Riêng mặt hàng lúa nếp điều chỉnh giảm 200 – 400 đồng/kg. Với thị trường gạo, giá gạo Japonica tăng và neo ở mức cao do nguồn cung giảm, nhu cầu tăng.
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trong tuần thứ 3 liên tiếp lên gần mức cao của 16 tháng nhờ nhu cầu mạnh. Trong khi đó, đồng rupee suy yếu đã ảnh hưởng đến giá lương thực thiết yếu này của Ấn Độ.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 445-450 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2021 và tăng so với mức 440-445 USD/tấn một tuần trước. Các nhà giao dịch gạo tại thành phố Hồ Chí Minh cho hay nhu cầu gạo Việt Nam vẫn tăng mạnh. Tuy nhiên, các nhà giao dịch cho biết một số khách hàng Trung Quốc đã chuyển sang mua gạo rẻ hơn từ Pakistan và Ấn Độ, thay vì gạo của Việt Nam và Thái Lan.
Hiện có 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc nhưng mỗi năm chỉ được xuất khẩu với hạn mức nhất định. Hải quan Trung Quốc hiện có thể truy xuất rõ ràng sản lượng, hạn mức của từng doanh nghiệp được cấp phép nên các đơn vị xuất khẩu không có cơ hội để gian dối trong hoạt động này.
Việt Nam đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp.
Thực tế, Trung Quốc là nước có 1,4 tỷ dân, mỗi năm nhập khoảng 120 triệu tấn các loại lương thực, trong đó gạo khoảng 5 triệu tấn. Tuy nhiên, để xuất khẩu được nhiều sản phẩm vào Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt cần phải có kinh nghiệm và hiểu rõ nhu cầu của đối tác.
Trung Quốc mỗi năm cần nhập khẩu 5 triệu tấn gạo nhưng có đến 90% là gạo thường, phổ thông và vài % là gạo cao cấp. Khi đàm phán các doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị hồ sơ chào hàng theo nhu cầu của đối tác sẽ dễ thành công hơn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường Trung Quốc để tránh trường hợp không hiểu thị trường, khi đưa hàng lên biên giới lại phải quay đầu sẽ rất tốn kém.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu cả nước tháng 11/2022 ước đạt 600 nghìn tấn với giá trị đạt 296 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,69 triệu tấn và 3,24 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2022 ước đạt 485 USD/tấn, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam đang hướng tới mốc 7 triệu tấn gạo được xuất khẩu trong năm nay.
Trong bối cảnh gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan cũng đã tăng tuần thứ 6 liên tiếp lên 444 USD/tấn trong phiên 8/12, so với mức 427–440 USD/tấn trong tuần trước. Các nhà giao dịch cho rằng mức tăng này là do sự biến động của đồng nội tệ, mặc dù nhu cầu đang chậm lại. Các nhà xuất khẩu đang giảm mua do giá cao, dẫn đến nhu cầu giảm.
Trong khi đó, tình hình nguồn cung không thay đổi do gạo mới tiếp tục được tung ra thị trường.
Mặc dù giá chào bán rẻ hơn, song đồng rupee suy yếu, làm tăng lợi nhuận của thương nhân từ việc bán hàng ở nước ngoài và khiến họ phải cắt giảm tỷ lệ xuất khẩu, và việc thiếu nhu cầu từ những khách hàng lớn đã đè nặng lên thị trường Ấn Độ.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 373-378 USD/tấn, giảm so với mức 375-380 USD/tấn trong tuần trước. Nhu cầu gạo Ấn Độ yếu từ tất cả các nước mua hàng chính trước kỳ nghỉ lễ Năm mới.
Ngược lại, giá gạo trong nước ở Bangladesh vẫn tăng cao bất chấp một loạt biện pháp, bao gồm gia hạn thời hạn nhập khẩu gạo với mức thuế giảm thêm ba tháng đến cuối tháng 3/2023, sau khi mùa màng bị lũ lụt tàn phá hồi đầu năm nay.
Trong báo cáo ngành lương thực, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết ngành xuất khẩu gạo đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2023.
Cụ thể BSC cho rằng diễn biến thời tiết bất lợi khiến các nhà xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Pakistan giảm sản lượng xuất khẩu, trong khi nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc vẫn tăng cường nhập khẩu gạo trước kỳ vọng mở cửa nền kinh tế. Trong bối cảnh cầu tăng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá.
Ngoài ra, Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để tăng giá gạo xuất khẩu trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Tín hiệu thị trường khả quan song BSC cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh lương thực vẫn phải đối mặt với thách thức tăng trưởng, đặc biệt trong trung hạn.
BSC phân tích năng lực cạnh tranh của gạo xuất khẩu của Việt Nam chưa cao do chủ yếu cạnh tranh với các đối thủ về giá bán, phần lớn chưa đảm bảo được yêu cầu về quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật… Điều này khiến mức tăng giá kỳ vọng có thể thấp hơn mức tăng giá xuất khẩu trung bình thế giới.
Mặt khác, vấn đề chi phí đầu vào, logistics của Việt Nam cao hơn các đối thủ, trình độ chuyên môn hoá và năng lực sản xuất còn hạn chế, diện tích canh tác manh mún… sẽ tiếp tục tạo áp lực lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành gạo.