Giá lợn hơi miền Tây nhích nhẹ, miền Bắc đứng giá
Giá lợn hơi hôm nay 29/7: Tuột mốc 70.000 đồng/kg
Giá lợn hơi hôm nay 29/07/2022, miền Tây nhích nhẹ. Giá lợn hơi tại miền Bắc đứng giá, dao động quanh mức 65.000-69.000 đồng/kg. Giá lợn hơi miền Đông, miền Trung giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg, mức giá trung bình 66.500 đồng/kg.
Duy chỉ có giá lợn miền Tây hôm nay có vài tỉnh tăng nhẹ: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang- mức giá trung bình 65.500 đồng/kg.
Giá lợn CP hôm nay đã giảm thêm 1.000 đồng/kg, miền Bắc 70.000 đồng/kg, miền Nam 68.000 đồng/kg.
Giá lợn Trung Quốc hôm nay cũng tiếp tục giảm còn 71.400 đồng/kg.
Cụ thể: Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh giảm 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg.
Cụ thể, cùng giảm 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi hôm nay tại Hà Nội, Thái Bình và Hưng Yên, Bắc Giang lần lượt đưa giao dịch về mức 69.000 đồng/kg. Mức giá thu mua lợn hơi trung bình được ghi nhận tại các tỉnh thành còn lại là 66.000-67.000 đồng/kg. Mức giá lợn hơi cao nhất khu vực phía Bắc là 69.000 đồng/kg được ghi nhận tại một số tỉnh nêu trên.
Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 63.000 - 69.000 đồng/kg. Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên Huế đang neo tại mức 67.000 đồng/kg sau khi giảm nhẹ một giá. Tương tự, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Lâm Đồng cùng giảm 2.000 đồng/kg xuống chung mức 67.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay giảm rải rác ở một vài nơi và dao động trong khoảng 63.000 - 68.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá được ghi nhận tại tỉnh Bến Tre là 65.000 đồng/kg, giảm nhẹ 1.000 đồng/kg. Cùng giảm 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi hôm nay tại Bình Dương, An Giang và Sóc Trăng lần lượt là 67.000 đồng/kg, 68.000 đồng/kg và 65.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá.
Giá lợn hơi một số tỉnh hôm nay nhích nhẹ từ 1-3 giá, như các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu; giá phổ biến ở mức 65.000 đồng/kg. Xu hướng tăng ở các tỉnh này khá yếu và dự báo giá lợn hơi ở các khu vực này có thể giảm trở lại theo đà giảm chung của cả nước.
Sau một thời gian dài dao động quanh ở mức khoảng 55.000 – 60.000 đồng/kg, hiện tại, giá lợn hơi tại nhiều địa phương dao động từ 62.000 – 69.000 đồng/kg; theo đó, mỗi kg lợn hơi đã tăng thêm từ 10.000 – 15.000 đồng/kg so với cuối tháng 6/2022. Giá lợn tăng, người chăn nuôi bắt đầu có lãi nhưng với đà giảm giá lợn hiện nay, nông dân lại lo lắng khi tái đàn.
Giảm chi phí đầu vào, thức ăn chăn nuôi để ổn định giá lợn
Theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn đã tăng 4,29% trong tháng 7 so với tháng trước, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thêm 0,15 điểm phần trăm.
Tính đến ngày 25/7/2022, giá thịt lợn hơi cả nước dao động khoảng 65.000-72.000 đồng/kg, tăng 3.000-10.000 đồng/kg so với tháng trước. Theo đó, giá thịt chế biến tăng 1,73% so với tháng trước, trong đó thịt quay, giò chả tăng 1,81%; thịt hộp tăng 1,02%; thịt chế biến khác tăng 0,49%.
Giá lợn hơi tăng nên giá lợn giống cũng tăng theo. Điều này khiến người chăn nuôi lo ngại khi tái đàn. Bây giờ với mức giá lợn hơi đang trên đà giảm mạnh như hiện nay, người chăn nuôi nhỏ lẻ lại càng lo sợ khi tái đàn, dù đây là thời điểm chăn nuôi tốt để chuẩn bị thịt lợn cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới, mùa tiêu thụ thịt lớn nhất trong năm.
Được biết, giá thành nuôi lợn tăng cao có nguyên nhân rất lớn là do chi phí đầu vào tăng, nhất là ảnh hưởng bởi giá thức ăn chăn nuôi. Giá lợn hiện đã giảm về dưới ngưỡng 70.000 đồng/kg nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, điều này gây khó khăn lớn cho người chăn nuôi thời điểm này.
Với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không chủ động được nguồn giống, giá thành 1 kg lợn hơi hiện nay vào khoảng 60.000 đồng/kg. Do đó, với mức giá lợn hơi đang trên đà giảm mạnh như hiện nay, người chăn nuôi nhỏ lẻ có thể bị thua lỗ. Vài ngày trở lại đây, giá lợn hơi đột ngột giảm sâu, nhiều doanh nghiệp hầu như không xuất bán được nhiều con giống như thời điểm trước nữa. Điều này cho thấy các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã e ngại trong việc tái đàn, tăng đàn vì sợ thua lỗ.
Để giảm thiếu khó khăn cho người chăn nuôi, ổn định giá lợn các doanh nghiệp đã kiến nghị các giải pháp hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi. Các doanh nghiệp cho rằng, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên họ phải điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi cho phù hợp.
Lý do dẫn đến tăng giá, theo các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, là do nguyên liệu sản xuất và chi phí vận chuyển tăng khi giá xăng, dầu tăng và quan trọng hơn cả là phần lớn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước hiện phải nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine khiến tình hình nguồn nguyên liệu càng khan hiếm.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, các đại lý thức ăn chăn nuôi đã thông báo điều chỉnh giá cám tăng tới 6 lần, đẩy giá thành sản xuất lên 56.000 - 57.000 đồng/kg.
Có thể thấy, việc phụ thuộc 90% vào nguyên liệu của thế giới khiến ngành chăn nuôi luôn ở thế bấp bênh. Dù cuối tháng 12/2021, Chính phủ đã điều chỉnh giảm thuế tối huệ quốc (MFN) của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine khiến thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi càng thêm căng thẳng, mức giảm thuế này chỉ như “muối bỏ bể” trong cơn bão giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện nay.
Theo báo cáo của Tập đoàn De Heus: Để sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cần rất nhiều nguyên liệu. Việc giảm thuế này chỉ giúp chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm 0,5 - 1%. Tương tự, CTCP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và chi phí chế phẩm an toàn sinh học hiện nay tăng cao.
Để giảm bớt gánh nặng chi phí, CTCP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. CTCP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát có nhà máy sản xuất thức ăn gia súc song với giá nhập khẩu nguyên liệu cao doanh nghiệp này kiến nghị các Bộ và Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu ở mức thấp hơn.
Việc giảm thuế là giải pháp ngắn hạn, còn về lâu dài, một số doanh nghiệp đã tính đến việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, giải quyết tận gốc vấn đề. Tập đoàn De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 - 3 năm tới.
Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 - 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty. De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi.
Giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt sẽ giúp ổn định giá lợn hơi và giá thịt lợn trong nước thời gian tới; đồng thời giúp nông dân vẫn có lãi để thúc đẩy họ tái đàn lợn tốt hơn.
Được biết, 6 tháng cuối năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt trên 4,2 triệu tấn. 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thịt các loại đã đạt 3,4 triệu tấn, trong đó, đàn lợn tăng 3,8% và sản lượng thịt hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu thực hiện ngay biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu thịt lợn, bình ổn giá. Phó Thủ tướng yêu cầu không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường.
Thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi. Không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới.
Đồng thời quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.