Giá lợn hơi tiếp tục "bốc hơi" mạnh

28/07/2022 17:30 GMT+7
Đà giảm của giá lợn hơi vẫn chưa dứt khi thị trường hôm nay (28/7) ghi nhận giảm tại nhiều nơi, mức giảm từ 1.000 - 7.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay 28/7: Ghi nhận mức giảm mạnh nhất 7.000 đồng/kg 

Giá lợn hơi hôm nay 28/07/2022, giá lợn tiếp tục bốc hơi mạnh. Giá lợn liên tục giảm trong 1 tuần qua đã kéo mức giá lợn hơi trung bình cả nước xuống 66.500 đồng/kg. Giá lợn CP hôm nay cũng chững lại sau vài tuần tăng liên tục. Lợn CP miền Bắc có giá 71.000 đồng/kg; lợn CP miền Trung, miền Đông, miền Tây đứng ở mức 69.000 đồng/kg. Giá lợn hơi Trung Quốc cũng liên tục giảm trong 7 ngày qua, giá lợn Trung Quốc hôm nay đứng ở mức 72.000 đồng/kg, giảm tiếp hơn 2 giá so với hôm qua.

Giá lợn hơi tiếp tục "bốc hơi" mạnh - Ảnh 1.

Giá lợn hơi tiếp tục "bốc hơi" mạnh - Ảnh 2.

Giá lợn hơi hôm nay 28/7: Ghi nhận mức giảm mạnh nhất 7.000 đồng/kg.

Cụ thể: Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay giảm 1.000 - 4.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, Hà Nam giảm 4.000 đồng/kg xuống mức 65.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất khu vực. Cùng giảm 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi hôm nay tại Nam Định và Ninh Bình cùng đứng ở mức 67.000 đồng/kg. Còn tại Bắc Giang, giá lợn hơi hôm nay neo ở mức cao nhất khu vực là 69.000 đồng/kg sau khi giảm 1.000 đồng/kg so với ngày trước đó. Mức giá lợn hơi được ghi nhận tại Hà Nội hôm nay là 67.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại tiếp tục giữ nguyên mức không đổi so với ngày hôm qua. Trong đó, mức giá 68.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hưng Yên, Thái Bình.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay giảm nhẹ tại một vài địa phương và dao động trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg. Trong đó, Quảng Ngãi và Bình Thuận, giá lợn hơi điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg xuống chung mức 69.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại nhiều địa phương gồm Quảng Nam, Bình Định; giá lợn tại Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng đứng ở mức 67.000 đồng/kg. Mức 69.000 đồng/kg cũng là mức giá lợn hơi cao nhất của khu vực này.

Các tỉnh thành còn lại, giá lợn hơi hôm nay đi ngang so với ngày trước đó. Cụ thể, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa tiếp tục giao dịch với giá 67.000-69.000 đồng/kg. Mức giá lợn hơi thấp nhất khu vực được ghi nhận tại Đắk Lắk và đang thu mua thương lái thu mua ở mốc là 65.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay ghi nhận giảm rải rác tại một số tỉnh thành và dao động trong khoảng 62.000 - 68.000 đồng/kg. Trong đó, mức giảm sâu nhất 7.000 đồng/kg được ghi nhận tại Vũng Tàu đưa giá lợn hơi về mức 66.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại TP.Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp.

Sau khi giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Sóc Trăng, Bến Tre lần lượt ở mức 62.000 đồng/kg và 64.000 đồng/kg. Cùng giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Cần Thơ, Hậu Giang cũng neo ở mức 64.000 đồng/kg, còn tại Đồng Nai, giá lợn hơi hôm nay được thương lái thu mua ở mức 67.000 đồng/kg, ngang bằng với Tây Ninh và Bình Phước. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá trong ngày hôm nay, trong đó, An Giang. Tiền Giang là các địa phương ghi nhận mức giá lợn hơi cao nhất khu vực 68.000 đồng/kg. Kiên Giang, Sóc Trăng là các địa phương có giá lợn hơi thấp nhất khu vực 63.000 đồng/kg và 62.000 đồng/kg.

Cung - cầu thịt lợn vẫn đang cân bằng, sức mua chưa đột biến

Theo các chuyên gia về chăn nuôi, thực tế tại nhiều vùng chăn nuôi, cung - cầu thịt lợn vẫn đang cân bằng, sức mua còn đang chưa có sự tăng đột biến nào. Giá lợn hơi tăng mạnh là do áp lực của giá nguyên liệu sản xuất, giá xăng dầu tăng cao thời gian qua… Giá thu mua lợn hơi phải trung bình ở khoảng 65.000 đồng/kg hoặc cao hơn thì mới có thể chia sẻ một phần thua lỗ cho người chăn nuôi.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2022 tăng 3,8%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 2.116.300 tấn, tăng 5,7%; so với cùng thời điểm năm 2021.

Giá lợn hơi tiếp tục "bốc hơi" mạnh - Ảnh 3.

Theo các chuyên gia về chăn nuôi, thực tế tại nhiều vùng chăn nuôi, cung - cầu thịt lợn vẫn đang cân bằng, sức mua còn đang chưa có sự tăng đột biến nào.

Thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, những ngày qua thương lái đã hạn chế mua lợn, lượng lợn được chuyển ra phía Bắc cũng giảm khiến giá lợn giảm liên tiếp những ngày qua. Nếu ngăn chặn xuất lợn đi Trung Quốc, giá lợn có khả năng còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Thực tiễn là giá lợn Trung Quốc cũng đã liên tục giảm trong 7 ngày qua, kéo theo giá lợn Việt cũng giảm theo. Triển vọng thị trường lợn ở Trung Quốc trong thời gian tới vẫn khá thấp do các lệnh hạn chế phong tỏa chống Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ không tăng mạnh và thói quen của người tiêu dùng đang chuyển dần sang sử dụng thịt gia cầm.

Vài tháng gần đây, giá thịt lợn ở Trung Quốc có khởi sắc nhưng tỷ suất lợi nhuận vẫn kém nên người chăn nuôi không mặn mà, tổng đàn nái của nước này dự kiến sẽ giảm trong ngắn hạn, thông tin được đưa ra bởi Viện Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, thị trường vẫn phải đối mặt với những hạn chế, gồm cả các lệnh phong tỏa chống Covid-19, có thể không làm tăng đột biến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn. Triển vọng nhu cầu đối với thịt lợn của Trung Quốc vẫn khá thấp do các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19 và sự chuyển đổi tiêu thụ sang thịt gia cầm.

Trong khi đó, Viện Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết đàn lợn nái của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm trong ngắn hạn do tỷ suất lợi nhuận kém, mặc dù giá thịt lợn tăng trong thời gian gần đây.

Tháng 5/2022, Trung Quốc cũng chỉ nhập khẩu 220 nghìn tấn thịt trâu, bò (HS 2001, 0202), với trị giá 1,5 tỷ USD, tăng 31,7% về lượng và tăng 79,4% về trị giá so với tháng 5/2021.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh của Trung Quốc đạt 920 nghìn tấn, trị giá 6 tỷ USD, giảm 5,2% về lượng, nhưng tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Argentina, Urugoay, Hoa Kỳ, Úc...

Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt trâu, bò cho Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022, chiếm 33,5% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt trâu, bò của Trung Quốc.

Việt Nam trước nay đều khó đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt lợn sang thị trường Trung Quốc. Đối với thị trường xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt, Hồng Kông đang là thị trường xuất khẩu thịt lợn đã qua giết mổ lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch trên 95% thị phần, thứ hai là Thái Lan 3% và một lượng nhỏ qua Lào, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Nếu thị trường Trung Quốc tăng mua, nhập khẩu lợn hơi Việt Nam qua đường tiểu ngạch thì có thể tiêu thụ một lượng lớn đàn lợn, giúp thị trường tăng giá ổn định hơn. Còn nếu không thì cung - cầu trong nước vẫn cân bằng, thậm chí còn dư thừa nên giá lợn hơi sẽ khó tăng thêm nữa.

Dự báo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng, đà tăng của giá lợn hơi có thể đã dừng lại. Và ngay cả khi bước sang quý IV – thời điểm vàng của tiêu thụ thịt lợn, giá lợn cũng khó tạo ra bước nhảy vọt về giá vì tổng đàn lợn cả nước vẫn ổn định ở mức 28,2 triệu con, cung cấp khoảng 3,8 – 4 triệu tấn thịt/năm.

Được biết, 6 tháng cuối năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt trên 4,2 triệu tấn. 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thịt các loại đã đạt 3,4 triệu tấn, trong đó, đàn lợn tăng 3,8% và sản lượng thịt hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%.

Trong báo cáo mới đây, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo CPI trong tháng 7 tăng khoảng 0,6-0,7% so với tháng trước, và giữ nguyên dự báo CPI bình quân cả năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 3,8-4%.

Nói thêm về giá thịt lợn trong năm 2022, KBSV dự báo giá cao nhất cũng chỉ có thể quanh mức 65.000-70.000 đồng/kg với nhu cầu ăn uống ổn định, trong khi nguồn cung thịt lợn giảm do tỷ lệ tái đàn đầu năm 2022 ở mức thấp khi các yếu tố liên quan tới dịch tả lợn, giá cám cao, giá vận chuyển tăng và giá lợn thấp đã tác động tiêu cực tới tâm lý của các hộ chăn nuôi.

Theo KBSV, giá thịt lợn khó có thể về mốc đỉnh năm 2020 (tức lên 80.000-90.000 đồng/kg) nhờ việc Chính phủ luôn ưu tiên tăng cường nguồn cung trong nước.

Để góp phần bình ổn giá và ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới, đặc biệt là ở biên giới phía Bắc, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai quyết liệt kiểm soát việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào Việt Nam.

Riêng đối với thị trường Hà Nội, để đảm bảo nguồn cung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang tiếp tục khuyến khích người dân chăn nuôi lợn theo vùng, xã trọng điểm, xa khu dân cư và sẽ tập trung hỗ trợ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn nằm trong vùng quy hoạch của địa phương… Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ về giống, vaccine… để người chăn nuôi giảm giá thành sản xuất, bảo đảm tổng đàn lợn duy trì ổn định hơn 1,8 triệu con, qua đó chủ động nguồn cung cho thị trường Hà Nội.

Còn tại TP.HCM, theo thống kê 6 tháng đầu năm 2022 tình hình chăn nuôi trên địa bàn TP.HCM có xu hướng tăng. Đàn lợn hiện có 168.171 con lợn thịt, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt đạt 30.487,41 tấn, tăng 4,0% so với cùng kỳ. 6 tháng cuối năm, TP.HCM vẫn đảm bảo nguồn lợn thịt cung ứng cho thị trường thành phố, góp phần ổn định giá lợn.


 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục