Giá lợn tăng từng giờ, Bộ NN&PTNT đề nghị nhập khẩu gấp

21/12/2019 16:54 GMT+7
Những ngày cuối năm, giá lợn hơi cận mức 100.000 đồng/kg, trong báo cáo khẩn mới đây trình Thủ tướng, Bộ NN&PTNT cho biết, sản lượng thịt lợn giảm khoảng 13,5% so với năm ngoái và kiến nghị cho nhập thịt để bù đắp.

Giá lợn cao kéo nhiều mặt hàng khủng hoảng theo

Những ngày qua, giá thịt lợn tăng cao, dần dịch chuyển đến mốc 200.000 đồng/kg khiến giá cả thị trường "nhảy múa" liên tục, liên tiếp lập kỷ lục mới. Theo ghi nhận của PV tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội như Cầu Giấy, Mỹ Đình, Ba Đình,… giá thịt lợn đã tăng khoảng 10.000-20.000 đồng/kg so với dịp cuối tháng 11 vừa qua.

Cụ thể, thịt ba chỉ tăng lên 170.000 đến 180.000 đồng/kg, chân giò rút xương 150.000 đồng/kg, nạc thăn 180.000 đồng/kg, sườn thăn 200.000 đồng/kg, sườn non 220.000 đồng/kg.

Giá lợn tăng từng giờ, Bộ NN&PTNT đề nghị nhập khẩu gấp - Ảnh 1.

Nhiều tiểu thương bán thịt lợn và các sản phẩm từ lợn lao đao trong những ngày gần đây.

Tại siêu thị lớn như Vinmart, Lotte,… giá thịt lợn các loại dao động từ 170.000 đến gần 300.000 đồng/kg. Trong đó, đắt nhất là sườn non loại 1 được niêm yết giá tại hệ thống siêu thị Lotte ở mức 299.000 đồng/kg, trong khi ở Vinmart là 190.990 đồng/kg. Ngoài ra, các loại thịt thăn, ba chỉ, nạc vai có khoảng giá trên dưới 200.000 đồng/kg.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Liêm, một tiểu thương bán thịt lợn tại khu chợ Mỹ Đình cho biết, gần đây, do giá thịt lợn tăng, trong khi thu nhập của người dân không thay đổi khiến lượng thịt bán ra hàng ngày giảm. Trong đó, nhiều khách hàng đổi sang loại thực phẩm khác hoặc mua với số lượng ít đi.

"Vì đặc thù khu vực này rất đông dân cư nên thời gian trước, trung bình tôi bán được khoảng 60 đến 70 kg/ngày, thậm chí có những ngày cao điểm có thể lên tới trên dưới 100kg. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, chỉ bán được khoảng một nửa do giá cao. Người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác hoặc giảm lượng mua, lúc trước có thể họ mua 5 lạng bây giờ giảm còn 3 lạng", chị Liêm chia sẻ.

Tuy nhiên, không chỉ thịt lợn tươi sống, nhiều mặt hàng thực phẩm có sử dụng loại thịt này làm nguyên liệu cũng biến động không ngừng.

Theo chủ một cửa hàng giò chả trên đường Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, do giá thịt lợn tăng mạnh đã kéo theo giá giò chả tăng "phi mã" theo. Đơn cử, giá giò lụa từ 130.000 đồng/kg lên mức 150.000 đồng/kg và hiện tại là 200.000 đồng/kg, giá giò tai nấm từ 150.000 đồng/kg tăng lên 220.000 đồng/kg.

Cũng theo chia sẻ của chủ cửa hàng này, gần 1 tháng nay, các cửa hàng bán giò chả luôn phải đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm. Nhiều nhà hàng, khách sạn vốn là đầu mối tiêu thụ lớn đồng loạt thông báo cắt giảm số lượng, khách mua nhỏ lẻ cũng ngày một thưa thớt do giá cao.

Bộ NN&PTNT kiến nghị nhập khẩu để "hạ nhiệt"

Ngay sau khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ "phê bình và yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm" trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao. Ngày 20/12, Bộ NN&PTNT có báo cáo Thủ tướng về tình hình cung ứng thực phẩm cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2019, sản lượng thịt hơi các loại cả năm 2019 ước đạt khoảng 5 triệu tấn, giảm 6,2% so với năm 2018.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện tại, nguồn thịt lợn thiếu hụt khoảng 200 nghìn tấn. Do vậy, Bộ NN&PTNT này đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàg thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý 2020 sắp tới.

Giá lợn tăng từng giờ, Bộ NN&PTNT đề nghị nhập khẩu gấp - Ảnh 2.

Bộ NN&PTNT kiến nghị nhập khẩu gấp thịt lợn.

Bên cạnh đó, 2 Bộ cần có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có Hiệp định thương mại song phương để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và hài hòa lợi ích giữa các bên.

Cũng trong báo cáo trình Thủ tướng, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Ban chỉ đạo 389 các cấp chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Nhiều địa phương đã chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả và đã có thịt lợn cung cấp cho thị trường. Mặt khác, người chăn nuôi đặc biệt quan tâm, biết cách áp dụng có hiệu quả các biện an toàn sinh học và vệ sinh phòng bệnh.

Về việc đảm bảo tái đàn an toàn, theo Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp cần tập trung nhiều giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109 nghìn con (90%) chưa bị dịch bệnh.

Được biết, hiện tại, trên cả nước đã có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và hàng chục doanh nghiệp chăn nuôi lớn bảo đảm an toàn sinh học nên lợn không mắc dịch tả lợn châu Phi.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng, chỉ đạo các tỉnh thành triển khai phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng…

Thanh Phong
Cùng chuyên mục