Giá lúa cấp thấp tăng cao, vượt cả lúa thơm
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, giá lúa nhìn chung tất các loại ở ĐBSCL những tháng qua đều có xu hướng tăng, trong đó đáng chú ý là lúa IR50404 lại tăng giá mạnh trong khi đây vốn được xem là giống lúa thường, chất lượng thấp, chủ yếu được sử dụng cho làm bột, bánh, bún… hay chế biến gạo 25% tấm để xuất khẩu.
Cụ thể như tại An Giang ngày 21/12, lúa IR50404 có giá 6.600-6.900 đồng/kg, trong khi đó các giống lúa chất lượng cao hơn như Jasmine có giá 6.700-6.900 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 có giá 7.000-7.200 đồng/kg, các loại lúa thuộc dòng OM cũng có giá từ 6.700-7.000 đồng/kg.
Hay tại Đồng Tháp, trước đó, thời điểm cuối tháng 11, lúa thường bán tại ruộng đã có giá 6.200 đồng/kg (tăng 300 đồng/kg so với trước đó 1 tuần), gần bằng lúa chất lượng cao (6.350 đồng/kg)…
Còn về giá gạo, tại một số chợ đầu mối lương thực ở ĐBSCL, giá gạo thường ở mức 10.500-11.000 đồng/kg, trong khi một số loại gạo thơm có giá dao động 10.400-10.600 đồng/kg, gạo chất lượng cao như OM5451 có giá 10.000-10.200 đồng/kg, gạo Jasmine có giá 14.000-15.000 đồng/kg, một số gạo chất lượng cao khác thì có giá cao hơn…
Đại diện một doanh nghiệp (DN) kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL cho hay, có thời điểm giá lúa và gạo IR50404 đã vượt các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao. Đây là được cho là giống lúa dễ trồng, năng suất cao nên thời gian trước nông dân sản xuất nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành nông nghiệp khuyến cáo chuyển sang lúa thơm, lúa chất lượng cao, đồng thời có nhiều DN bao tiêu nên bà con đã dần bỏ giống IR50404 để chuyển sang trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao.
Diện tích giảm, trong khi nhu cầu sử dụng gạo của phân khúc lúa thường IR50404 ở trong nước để làm bánh, bún, chế biến cơm tấm, cơm chiên… ở mức cao dẫn đến thiếu nguồn cung và đẩy giá lên… Theo đại diện DN này, trong chiến lược phát triển vùng nguyên liệu, cần thiết phải phân vùng sản xuất để đảm bảo cân đối cung cầu giữa các chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Được biết, thời gian trước, trong cơ cấu giống lúa thì lúa IR50404 luôn chiếm khoảng 30-40% trong tổng diện tích xuống giống từng vụ ở ĐBSCL. Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), riêng vụ Thu Đông 2020, toàn vùng ĐBSCL xuống giống hơn 800.000ha thì lúa thơm và đặc sản chiếm gần 20% (tăng 1,85% so với vụ Thu Đông 2019), lúa chất lượng cao chiếm 51,34% (tăng 4,34% so với cùng kỳ), nếp chiếm 10,13% (tăng 3,13% so với cùng kỳ), còn lúa thường chiếm 17,3% (giảm 7,7% so với cùng kỳ).
Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng về giá trị
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) gạo Việt Nam tháng 11/2020 đạt hơn 351 ngàn tấn với kim ngạch gần 189 triệu USD, đưa tổng XK gạo 11 tháng đầu năm nay đạt hơn 5,7 triệu tấn với giá trị đạt hơn 2,8 tỷ USD, giảm 2,9% về lượng nhưng tăng 9,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết ngày 15/12, XK gạo Việt Nam đạt hơn 5,9 triệu tấn với kim ngạch hơn 2,9 tỷ USD.
Về thị trường XK, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2020, Philippines vẫn là thị trường số 1 của XK gạo Việt Nam khi chiếm 32,9% thị phần với khối lượng XK đạt 1,86 triệu tấn với kim ngạch 868,66 triệu USD (giảm 4,3% về khối lượng nhưng tăng 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
Các thị trường có giá trị XK gạo tăng mạnh là Indonesia (đạt 83,8 nghìn tấn và 45,6 triệu USD, tăng gấp 3,1 lần), Trung Quốc (657,6 nghìn tấn và 379,6 triệu USD, tăng 79,2%). Ngược lại, thị trường có giá trị XK gạo giảm mạnh nhất trong thời gian này là Iraq khi đạt 90 nghìn tấn với 47,6 triệu USD (giảm 65,6%).