Giá nhà ở Hà Nội lên tới 200 triệu đồng/m2, vẫn có người chấp nhận

11/10/2024 16:19 GMT+7
Giá nhà ở Hà Nội tăng cao do nhiều loại chi phí đầu vào gia tăng khiến các chủ đầu tư điều chỉnh chiến lược. Từ đó, nguồn cung nhà giá rẻ càng thiếu trong khi các doanh nghiệp lại xây dựng dự án mới cao cấp.

Giá nhà ở Hà Nội tăng do chi phí đầu vào cao

Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, giá nhà ở Hà Nội "leo thang" cho thấy sức nóng của thị trường và khả năng tiệm cận mức giá của TP.HCM trong tương lai gần. Cụ thể, thị trường căn hộ mở mới tại Hà Nội trong quý III/2024 ghi nhận mức giá trung bình đạt gần 70 triệu đồng/m2, tăng 7,6% so với quý trước.

Ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing cho rằng, khách hàng sẽ là người quyết định lựa chọn phù hợp với túi tiền, khả năng tài chính và khả năng đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

"Nếu như trước đây giá các căn hộ tại vị trí trung tâm trên dưới 100 triệu đồng/m2 khách hàng đã cảm thấy quá đắt đỏ thì tới đây, với những dự án căn hộ ở vị trí đẹp giá có thể lên tới 200 triệu đồng/m2, nhưng nếu đạt được các tiêu chí của họ như có cộng đồng, dịch vụ đẳng cấp thì người ta vẫn sẽ chấp nhận", ông Trung chia sẻ.

Giá nhà ở Hà Nội tăng cao do hàng loạt nguyên nhân tác động - Ảnh 1.

Giá trung bình căn hộ mới Hà Nội quý III/2024 tăng 7,6% so với quý trước

Cũng theo OneHousing, quý III/2024 dự kiến có khoảng 10.000 căn mở bán, tăng mạnh 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, các dự án mới ra hàng tiếp tục nằm tại các đại đô thị quy mô lớn ở khu Đông và khu Tây Hà Nội. Điều này cho thấy nhu cầu nhà ở tại các khu đô thị chất lượng cao vẫn rất lớn và thị trường vẫn có triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.

"Nhiều người vẫn đang chờ chung cư giảm giá, tôi nghĩ việc chờ đợi này không khả thi. Bởi vì tất cả yếu tố đầu vào của doanh nghiệp phát triển dự án như chi phí thuế đất theo biểu giá mới, chi phí xây dựng, đầu tư về thiết kế sản phẩm,.. đều đang đội lên không ít", ông Trung nói.

Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, để sở hữu một vị trí đẹp, đặc biệt tại trung tâm, doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền khổng lồ. Khi giá đất đã cao, chủ đầu tư lại làm một sản phẩm bình dân thì chắc chắn sẽ lỗ. Với những vị trí đẹp, đơn vị phát triển dự án cũng sẽ phải làm ra các sản phẩm xứng tầm với vị trí đó, như vậy không có giá rẻ.

Áp lực từ nguồn cung hạn chế và chi phí đầu vào gia tăng đã khiến các chủ đầu tư điều chỉnh chiến lược, tập trung phát triển các dự án cao cấp và hạng sang, đồng thời kéo theo sự dịch chuyển phân khúc căn hộ tại Hà Nội.

Thiếu hụt nguồn cung vẫn là nguyên nhân chính khiến giá nhà ở Hà nội tăng mạnh

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, chính sách điều tiết thị trường bất động sản thời gian tới cần thúc đẩy phân khúc bình dân nhiều hơn thời gian tới, nhờ đó, thị trường mới phát triển thực chất và ổn định.

"Việc giá bất động sản leo thang đơn thuần xuất phát từ quy luật cung cầu. Nếu muốn hạ nhiệt giá bán, yếu tố cần được tác động chính là nguồn cung, thay vì các can thiệp hành chính. Phân khúc bình dân đang thiếu hụt, không thấy dự án mới. Việc phân khúc đáng lẽ phải phổ biến nhất bỗng dưng biến mất là một sự bất thường", ông Đính nhận định.

Giá nhà ở Hà Nội tăng cao do hàng loạt nguyên nhân tác động - Ảnh 2.

Thiếu nhà giá rẻ vẫn là lý do chính khiến giá nhà ở Hà Nội tăng cao. Ảnh: Thái Nguyễn

Theo Bộ Xây dựng, giá bất động sản biến động cục bộ tại một số phân khúc bất động sản và tại một số tỉnh, thành. Riêng tại Hà Nội có một số dự án bất động sản, phiên đấu giá đất tăng cao so với giá khởi điểm và mặt bằng chung. Các luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực bước đầu tác động đến thị trường bất động sản như về nguồn cung, giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để luật ngấm vào đời sống, từ đó, nhiều dự án được triển khai và mở bán tạo thêm nguồn cung mới cho thị trường.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, trong bối cảnh nguồn cung sản phẩm trên thị trường yếu, cầu lớn, giá nhà ở Hà Nội có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, tại các tỉnh khu vực phía Nam, trong đó có TP.HCM giai đoạn 2023 - 2024, gần như nhu cầu không tăng, giá các phân khúc không tăng, riêng nhà chung cư vẫn duy trì mức tăng khoảng 6%.

"Chúng ta cũng sẽ có điều kiện để mở rộng thị trường khi các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đi vào đời sống. Khi đó điều kiện tiếp cận đất đai, tiếp cận các dự án đã được tháo gỡ thì nguồn cung sẽ phong phú lên và đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới", ông Cường nhấn mạnh.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục