Giá thép "lên đỉnh" nhà thầu cao tốc Bắc - Nam lo lắng
Theo Bộ Xây Dựng, giá cả hàng hóa thường do cung cầu quyết định nhưng diễn biến giá thép trong nước gần đây được cho là không theo quy luật đó. Cụ thể, nguồn cung thép xây dựng của các doanh nghiệp trong nước được Bộ Công Thương cho biết khoảng 14 triệu tấn, đảm bảo đủ cho nhu cầu trong nước, xuất khẩu, thế nhưng hiện giá mặt hàng này đã tăng 40-50% so với cuối năm 2020.
"Giá nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt là thép có giá cao đột biến, tăng không theo quy luật tăng giá thông thường", Bộ Xây dựng nhìn nhận.
Thép là vật liệu quan trọng với ngành xây dựng khi chiếm 10-30% tổng giá trị mỗi dự án xây dựng dân dụng. Không chỉ thép, nhiều vật liệu xây dựng cơ bản khác cũng tăng giá mạnh, khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn.
Nhằm giảm thiểu tác động của biến động giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương cập nhật, điều chỉnh công bố giá, chỉ số giá xây dựng kịp thời, phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của hiện tượng đầu cơ, thổi giá.
Đáng chú ý, giá thép tăng "phi mã" cũng đã tác động mạnh mẽ tới các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Hàng loạt các doanh nghiệp lớn đang là nhà thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam đang đối mặt nguy cơ thua lỗ nặng khi nguồn vật liệu phục vụ thi công đồng loạt tăng giá, đặc biệt là giá thép tăng đến 70% mức giá tại thời điểm bỏ thầu.
Chia sẻ về những khó khăn đối với việc giá thép tăng cao, một số doang nghiệp cho biết, thời điểm đấu thầu dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giá thép khoảng 12.600 đồng/kg, nhưng đến nay các nhà cung cấp báo giá 18.000 đồng/kg. Với mức giá này, ước tính nhà thầu sẽ thua lỗ hàng chục tỷ đồng tại hai gói thầu này.
Chỉ tính riêng thép Hòa Phát từ ngày 3/12/2020 đến nay đã 28 lần tăng giá với biên độ mỗi lần từ 300.000 - 500.000 đồng/tấn. Giá thép Hòa Phát vào thời điểm ngày 3/12/2020 có giá 11.600 đồng/kg, đến ngày 12/5/2021, giá thép tại nhà máy (chưa VAT) được báo giá 17.250 đồng/kg.
Khó khăn ví dụ như: Gói thầu XL-03 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nhà thầu thi công phần cầu với giá trị xây lắp khoảng 400 tỷ đồng, ước tính sẽ lỗ khoảng 40 tỷ đồng do thép tăng giá.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Vinacovnex cho biết, khối lượng thép để phục vụ thi công các gói thầu tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mà đơn vị đang đảm nhiệm là khoảng 58.316 tấn. Giá thép tại thời điểm ký hợp đồng 3 gói thầu dao động từ 11.300 - 12.120 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá thép trung bình tháng 5/2021 được các nhà cung cấp báo giá khoảng 17.395 đồng. Trước tình trạng giá thép tăng chóng mặt như hiện nay, nhà thầu ước tính giá trị bù lỗ của các nhà thầu tại 3 gói thầu này khoảng hơn 337 tỷ đồng.
Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT - Bộ GTVT, tất cả gói thầu xây lắp thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công đều áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá.
Chỉ số giá do các địa phương công bố làm cơ sở để cơ quan chức năng điều chỉnh giá các gói thầu. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhiều tỉnh, thành chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng hoặc có công bố nhưng giá và chỉ số giá không theo kịp giá thị trường.
Để tháo gỡ những khó khăn cho các dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương đôn đốc việc công bố giá, chỉ số giá và báo cáo về tình hình biến động trượt giá của vật liệu xây dựng.
Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA khẩn trương báo cáo vướng mắc về tình hình biến động giá vật liệu, nhất là giá thép trong quá trình thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam để sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu.