Giá tiêu bất ngờ lao dốc, từ đầu tháng 11 tới nay giảm tới 5.000 đồng/kg

14/11/2021 07:41 GMT+7
Giá tiêu trong tuần qua đã giảm tới gần 5.000 đồng/kg, hiện giao dịch quanh mức 82.500 - 85.000 đồng/kg.

Giá tiêu đã xuống sát mốc 80.000 đồng/kg

Tổng hợp tuần qua cho thấy, giá tiêu thị trường trong nước từ đầu tháng 11 tới nay đã giảm gần 5.000 đồng/kg ở các địa phương. 

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông hôm nay giảm tới 1.000 đồng/kg hiện được thu mua ở giá 83.000 đồng/kg.

Cùng mức giảm trên, giá tiêu tại Gia Lai giao dịch ở mức 82.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 83.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 85.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Giá tiêu tại tỉnh Bình Phước giao dịch ở mức 84.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Giá tiêu bất ngờ lao dốc, từ đầu tháng 11 tới nay giảm tới 5.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Tổng hợp tuần qua cho thấy, giá tiêu thị trường trong nước đã giảm gần 5.000 đồng/kg ở các địa phương.

Như vậy, giá tiêu hôm nay giảm từ 500 - 1.000 đồng/kg ở hầu hết các địa phương. Đà giảm của thị trường trong nước vẫn chưa có dấu hiệu dứt khi mà lực bán tháo để chốt lời vẫn mạnh tại các địa phương. 

Tổng hợp tuần này, khu vực Tây Nguyên mất 2.500 - 3.000 đồng/kg, các tỉnh Đông Nam Bộ giảm 2.000 đồng/kg. Tuần trước đó, giá tiêu trong nước giảm 1.500 đồng/kg ở khu vực Tây Nguyên, giảm 2.500 đồng/kg ở các tỉnh Đông Nam Bộ. 2 tuần suy giảm liên tiếp đẩy thị trường trong nước xuống gần mốc 80.000 đồng/kg.

Giá tiêu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022?

Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC), sản lượng tiêu của Việt Nam trong năm 2021 là 220.000 tấn, giảm 8%, tương đương 20.000 tấn so với vụ năm ngoái.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết thêm, lũy tiến từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 21.977 tấn, trong đó tiêu đen đạt 16.322 tấn, tiêu trắng đạt 5.655 tấn, so với cùng kỳ 2020 lượng nhập khẩu giảm 29,1%. Ước tính khối lượng nhập khẩu cả năm có thể đạt 25.000 tấn.

Trong đó Olam nhập khẩu đạt 10.074 tấn, chiếm 45,8% tổng lượng nhập khẩu. Tiếp theo là các doanh nghiệp Harris Freeman: 1.986 tấn, Gia vị Sơn Hà: 1.858 tấn, KSS Việt Nam: 1.649 tấn, Nedspice: 1.146 tấn, Vinh Hưng: 1.045 tấn,…

Nhập khẩu Hồ tiêu của Việt Nam từ Indonesia giảm 41,8%, Brazil giảm 38,2% và từ Campuchia tăng 111,8%. Indonesia là quốc gia xuất khẩu tiêu trắng chủ yếu sang Việt Nam, đạt 5.447 tấn chiếm 96,3% tổng lượng nhập khẩu.

Như vậy có thể thấy thị trường đang thiếu nguồn cung. Hàng hóa đang được lấy từ nguồn dự trữ gối vụ (khoảng 40.000 tấn) từ vụ trước. Khi giá lên tới 90.000 đồng/kg, dự đoán phân nửa số hàng dự trữ kia đã được đưa ra thị trường.

Chi phí sản xuất tăng cao, giá nguyên liệu sản xuất như phân bón tăng trên 100% đang dẫn đến nhiều thách thức cho người dân trong việc chăm sóc cây tiêu. Điều này tạo cơ hội cho giá tiêu tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm nay cũng như đầu năm 2022.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành hồ tiêu, nhu cầu từ các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Đông tăng lên trong năm nay sau khi giảm trong năm ngoái do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm, theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Điều này sẽ tác động tích cực lên giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung nội địa gần như đã cạn kiệt, và nhiều khả năng lượng hàng đầu cơ từ những năm trước sẽ được bán ra.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 41 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam trong thời gian này tăng 10,9%, đạt 12,52 triệu USD.

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 25,66% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 30,54% trong 9 tháng đầu năm 2021.


An Vũ
Cùng chuyên mục