Giá tiêu tiếp tục giảm, dự báo khó khăn chồng chất

07/10/2022 19:20 GMT+7
Thị trường hạt tiêu của Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới. Với tình hình hiện nay, nếu không có sự tăng tốc mạnh từ thị trường Trung Quốc, thì cột mốc xuất khẩu 1 tỷ USD của ngành tiêu khó đạt được trong năm nay...

Giá tiêu hôm nay 7/10: Giảm 500 đồng/kg, thị trường giao dịch chậm

Giá tiêu hôm nay 7/10 tại thị trường trong nước điều chỉnh giảm 500 đồng/kg. Theo đó, giá tiêu tại Bình Phước đang được thương lái thu mua ở mức 63.500 đồng/kg.

Tại các khu vực còn lại, giá tiêu đi ngang. Cụ thể, tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay được thương lái thu mua ở mức 61.500 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay còn 63.000 đồng/kg.

Tương tự, tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu cũng không có biến động so với hôm qua. Tại Bà Rịa Vũng Tàu, giá tiêu hôm nay dao động quanh mốc 64.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai ở mức 64.000 đồng/kg.

Dù đang là thời điểm cuối năm, nguồn cung đang cạn dần, tuy nhiên, hạt tiêu lại liên tục rớt giá. Nếu so với thời điểm đầu năm, giá hạt tiêu trong nước đã giảm hơn 20.000 đồng/kg.

Trong đó, giá hạt tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dù ở mức cao nhất so với thị trường trong nước nhưng nhiều ngày qua cũng chỉ duy trì ở mức 64.000 - 65.000 đồng/kg.

Đầu vụ năm nay, giá hạt tiêu duy trì ở mức 80.000 - 85.000 đồng/kg, có thời điểm chạm mốc gần 90.000 đồng/kg khiến nông dân rất phấn khởi, nhiều hộ tăng cường đầu tư cho vườn tiêu.

Tuy nhiên, càng về cuối năm, giá tiêu lại bắt đầu lao dốc, theo dự báo giá tiêu còn giảm nữa nên nông dân khá hoang mang, lo lắng sẽ lỗ công, lỗ vốn.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu hiện nay được cho là khá nhiễu loạn thông tin, chủ yếu là tin xấu do các thương lái đưa ra để người trồng tiêu bán tiêu sớm với giá rẻ.

Giá tiêu tiếp tục giảm, dự báo khó khăn chồng chất - Ảnh 1.

Giá tiêu hôm nay 7/10: Giảm 500 đồng/kg, thị trường giao dịch chậm.

Trên thị trường thế giới, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đã 2 lần điều chỉnh giảm mạnh giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam và giữ giá tiêu ở mức thấp đối với các nước xuất khẩu tiêu khác trong khu vực. Hầu hết đồng tiền của các quốc gia vẫn trong tình trạng suy yếu so với USD, là nguyên nhân chính khiến giá tiêu xuất khẩu liên tục giảm.

Dự báo trong ngắn hạn, giá hạt tiêu thế giới tiếp tục giảm do đồng USD tăng mạnh khi kỳ vọng lớn về việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất. Việc Fed liên tục tăng lãi suất nhằm hạn chế lạm phát đã đẩy đồng USD chảy ngược vào Hoa Kỳ. Điều này khiến nhiều quốc gia bị thiếu USD và buộc phải hạn chế ngoại tệ đối với nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, trong đó có hạt tiêu.

Hiện một số quốc gia như Pakistan và Ai Cập, vốn là thị trường xuất khẩu tiêu lớn của Việt Nam trong những năm gần đây, đang gặp phải tình trạng này. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt nâng lãi suất tiền tệ cơ bản, có thể sẽ thúc đẩy suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn nữa.

Nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn là yếu tố kìm hãm sự phục hồi của giá hạt tiêu những tháng tiếp theo. Đặc biệt là 2 thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn trên thế giới là châu Âu và Hoa Kỳ. Hiện Brazil đang bước vào vụ thu hoạch hạt tiêu, sản lượng dự kiến tăng 10% so với năm 2021 lên 98.000 tấn trong năm 2022. Sản lượng hạt tiêu của Ấn Độ dự kiến tăng nhẹ lên 68.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam dự kiến sẽ giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi, trong khi dự kiến sẽ ổn định ở các nước sản xuất hạt tiêu khác.

Xuất khẩu 1 tỷ USD của ngành tiêu khó đạt được trong năm nay?

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng tiêu được giao dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành tiêu Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn như giá bán thấp, thiếu tính bền vững.

Các ý kiến nhận định đều cho thấy tương lai không mấy tươi sáng của hạt tiêu cho đến hết năm, giữa bối cảnh Fed và ngân hàng trung ương các nước tăng thêm lãi suất.

Theo dự báo của một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng căng thẳng chính trị tại Đông Âu và chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc.

Thị trường tiêu của Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới. Với tình hình hiện nay, nếu không có sự tăng tốc mạnh từ thị trường Trung Quốc, thì cột mốc xuất khẩu 1 tỷ USD của ngành hàng này khó đạt được trong năm nay.

Lý do là bởi Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hạt tiêu hàng đầu, đang siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong đợt nghỉ lễ Quốc khánh (1/10) và trước sự kiện quan trọng Đại hội Đảng.

Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam sắp vào vụ thu hoạch mới với kỳ vọng đạt năng suất tốt hơn vụ thu hoạch năm ngoái, do đó, các nhà xuất khẩu đang đẩy mạnh bán hàng để chuẩn bị cho vụ mới.

Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu đánh giá, lượng hàng tồn hiện tại ước khoảng 80.000 - 100.000 tấn. Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nguồn cung hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 280 – 290 nghìn tấn (gồm: 175 nghìn tấn sản lượng; 40 nghìn tấn nhập khẩu và 80 nghìn tấn tồn kho từ năm 2021 chuyển sang). Đây là khối lượng tương đối cao trong bối cảnh xuất khẩu các tháng đầu năm suy giảm.

Xuất khẩu tiêu của Việt Nam những tháng còn lại của năm nay trông chờ vào tín hiệu từ thị trường Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Với Trung Quốc, theo dự báo của một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng căng thẳng chính trị tại Đông Âu và chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc.

Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho biết, Trung Quốc đã quay trở lại mua tiêu nhưng điều này có thể không đủ để thúc đẩy thị trường do Brazil và Indonesia đang bước vào mùa thu hoạch trong năm 2022. IPC kỳ vọng thị trường hạt tiêu sẽ ổn định và tăng lên trong tháng 11 và tháng 12/2022.

Theo số liệu của VPA, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đã giảm đến 79,5% (tương ứng 26.560 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 6.836 tấn. Sau khi tăng mạnh trong tháng 6 xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc đã chững lại và giảm 59% trong tháng 7, chỉ đạt 1.227 tấn.

Hiện cán cân cung cầu mặt hàng hạt tiêu năm 2022 chuyển dần về trạng thái cân bằng. Tổng lượng tồn và sản xuất vẫn đủ đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc từ đầu năm trì trệ càng khiến đà tăng của thị trường thêm khó khăn.

Các chuyên gia nhận định, giá tiêu thế giới trong thời gian tới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại. Thời điểm hiện tại, giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.

Doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng để sản xuất và xuất khẩu nên lực mua chậm và yếu hơn so với diễn biến của thị trường.

Để giảm thiểu những tác động của thị trường, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tránh những rủi ro của giá lên xuống bấp bênh, ngành tiêu trong nước cần thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sự ổn định để có đầu ra bền vững.

Giá tiêu tiếp tục giảm, dự báo khó khăn chồng chất - Ảnh 2.

Từ giờ đến hết 2022, thị trường trông chờ vào lực cầu từ thị trường hơn tỷ dân Trung Quốc và những thị trường khác khi bước vào giai đoạn tiêu dùng dịp lễ Tết cuối năm.

Có ý kiến nhận định thị trường hạt tiêu sẽ tăng trở lại vào giữa quý IV, khi nhu cầu nhập khẩu cho những kỳ lễ hội cuối năm và dịp Tết ở các quốc gia tăng cao. Ngoài ra, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam còn kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc khi nước này mua thêm khoảng 30.000 - 40.000 tấn hạt tiêu trong 6 tháng còn lại của năm 2022.

Các chuyên gia đánh giá, giá hạt tiêu tương đối ổn định trong những tháng qua bởi lượng hàng dự trữ đủ để đáp ứng nhu cầu. Thương lái Trung Quốc và các nhà xuất khẩu lớn ở Việt Nam đang trong trạng thái chờ đợi, trong khi nông dân và đại lý nhỏ có xu hướng giữ hàng với dự đoán mức giá cao hơn.

Ngay từ cuối năm ngoái, VPA nhận định chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc tác động không nhỏ tới thị trường hạt tiêu Việt Nam khi 90% lượng hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Do đó, chỉ khi thị trường này tăng mạnh nhập khẩu tiêu các tháng còn lại của năm nay như dự báo nêu trên thì xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ khởi sắc.

Những bất ổn về địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng Nga-Ukraine hiện vẫn đang còn tác động đến tiêu thụ tiêu. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ còn biến động trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu còn lên xuống thất thường.

Căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tác động tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng trên toàn cầu, trong đó có hạt tiêu.

Theo Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), lượng hàng trong kho ở các quốc gia tiêu thụ vẫn còn đáp ứng đủ nhu cầu, do đó, giá hạt tiêu toàn cầu trong những tháng qua và bây giờ không cho thấy sự dao động lớn mặc dù sản lượng được dự báo tiếp tục giảm 3% trong năm 2022, chủ yếu giảm từ Việt Nam và Ấn Độ.

Nhận định về triển vọng giá tiêu từ nay đến cuối năm, Hiệp hội hồ tiêu cho rằng kịch bản tích cực nhất thì giá tiêu cũng chỉ có thể tăng nhẹ. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu tiêu gặp nhiều khó khăn, các chuyên gia cho rằng việc phát triển sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân; đồng thời giúp ngành tiêu phát triển bền vững. 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục