Nguồn cung hạt tiêu cho Mỹ vẫn tập trung chủ yếu từ Việt Nam
Giá tiêu hôm nay 10/9, sức ép giảm giá dồn dập lên thị trường
Giá tiêu hôm nay (10/9) giảm 500 - 1.000 đồng/kg so với hôm qua, chấm dứt chuỗi đi ngang nhiều ngày liền.
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương, giao dịch từ 66.000 - 69.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 66.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (66.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (67.000 đồng/kg); Bình Phước (67.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 69.000 đồng/kg.
Như vậy, sau chuỗi ngày dài đi ngang, thị trường đã có phiên quay đầu giảm nhẹ do chịu áp lực giảm giá từ đồng USD cao kỷ lục và nhu cầu xuất khẩu suy yếu.
Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 8/2022, Việt Nam xuất khẩu được 18.954 tấn tiêu, trong đó tiêu đen đạt 16.970 tấn, tiêu trắng đạt 1.984 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 77,6 triệu USD, tiêu đen đạt 66,3 triệu USD, tiêu trắng đạt 11,3 triệu USD.
So với tháng 7, lượng xuất khẩu tăng 1,8% tuy nhiên kim ngạch giảm 1,2%. Olam tiếp tục là doanh nghiệp đứng đầu xuất khẩu trong tháng 8 đạt 2.497 tấn, tiếp theo là các doanh nghiệp Trân Châu, Nedspice, Phúc Sinh, Haprosimex…
Mỹ là thị trường nhập khẩu tiêu nhiều nhất trong tháng với 4.715 tấn. Đáng chú ý lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng 133% so với tháng trước đạt 2.859 tấn.
Lũy tiến từ đầu năm đến hết tháng 8/2022, Việt Nam xuất khẩu được 163.130 tấn tiêu các loại, tiêu đen đạt 140.221 tấn, tiêu trắng đạt 22.909 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 725 triệu USD, tiêu đen đạt 589,3 triệu USD, tiêu trắng đạt 135,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu giảm 18,3% tương đương 36.638 tấn (tiêu đen giảm 37.410 tấn, tiêu trắng tăng 772 tấn), kim ngạch xuất khẩu tăng 9% tương đương 59,9 triệu USD.
Tháng 8/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu biến động không đồng nhất tại các nước sản xuất trên thế giới, tăng tại Indonesia và Ấn Độ, ổn định tại Malaysia, nhưng giảm tại Việt Nam và Brazil.
Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 26/8/2022 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định ở mức 5.900 USD/ tấn và 7.600 USD/tấn so với ngày 29/7/2022.
Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 26/8/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng mạnh 397 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, lên mức 4.089 USD/tấn. Tại cảng Muntok, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 133 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, lên mức 6.395 USD/tấn.
Tại Ấn Độ, ngày 25/6/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 18 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, lên mức 6.495 USD/tấn.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 26/8/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng giảm 200 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, xuống còn lần lượt 3.550 USD/tấn và 3.800 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 200 USD/ tấn so với ngày 29/7/2022, xuống còn 5.600 USD/tấn.
Tại Brazil, ngày 26/8/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 75 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, xuống còn 2.950 USD/tấn.
Tháng 8/2022, giá hạt tiêu nội địa giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhất là ở các nước tiêu thụ hạt tiêu lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc. Ngày 29/8/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm từ 5.000 – 5.500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 29/7/2022, xuống mức 66.500 – 70.0000 đồng/kg; Giá hạt tiêu trắng ở mức 105 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022 và thấp hơn so với mức 117.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.
Mỹ là nhà nhập khẩu hạt tiêu lớn và triển vọng nhất của Việt Nam
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan thông tin: 7 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu đạt 142,56 nghìn tấn, trị giá 639,84 triệu USD, giảm 20,9% về lượng nhưng tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu 7 tháng qua đạt mức 4.488 USD/tấn, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Các thị trường chủ lực xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam gồm: Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Pakistan, Anh…
Đáng chú ý, Cục Xuất nhập khẩu tập trung phân tích khá rõ nét tình hình xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Mỹ.
Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, tính chung 5 tháng năm 2022, nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ đạt xấp xỉ 36,87 nghìn tấn, trị giá 183,2 triệu USD, tăng 3,5% về lượng và tăng 55,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Mỹ đạt mức 4.969 USD/tấn, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ từ hầu hết các nguồn cung chủ yếu tăng, ngoại trừ giá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm.
Đáng chú ý, 5 tháng năm 2022, Mỹ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam, Trung Quốc nhưng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Brazil, Indonesia. Số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho thấy: Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Mỹ trong 5 tháng năm 2022 với lượng nhập khẩu đạt 27,52 nghìn tấn, trị giá 134,25 triệu USD, tăng 19,8% về lượng và tăng 84,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 64,48% trong 5 tháng đầu năm 2021 lên 74,65% trong 5 tháng đầu năm 2022.
Ngược lại,Mỹ giảm nhập khẩu hạt tiêu từ Ấn Độ với mức giảm 9,5% về lượng, nhưng tăng 16,3% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2021, đạt 2,8 nghìn tấn, trị giá 14 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2022.
Thị phần hạt tiêu của Ấn Độ trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ giảm từ 8,68% trong 5 tháng đầu năm 2021 xuống 7,59% trong 5 tháng đầu năm 2022.
“Nhìn chung nguồn cung hạt tiêu cho Mỹ vẫn tập trung chủ yếu từ Việt Nam. Nhờ lợi thế về nguồn cung ổn định, Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn cung hạt tiêu cho Mỹ trong thời gian tới”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA), nguồn cung hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 280 – 290 nghìn tấn (bao gồm 175 nghìn tấn sản lượng; 40 nghìn tấn nhập khẩu và 80 nghìn tấn tồn kho từ năm 2021 chuyển sang).
Dự báo thị trường hạt tiêu toàn cầu còn chịu áp lực do căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc. Hiện vụ thu hoạch hạt tiêu tại Indonesia và Trung Quốc gần kết thúc. Sản lượng hạt tiêu đen của Indonesia tương đương năm 2021, nhưng sản lượng hạt tiêu trắng dự kiến thấp hơn khoảng 15%. Sang tháng 9, vụ thu hoạch hạt tiêu ở Brazil vào cao điểm, năng suất dự kiến tương đương năm ngoái. Các nhà xuất khẩu Brazil đang đẩy mạnh bán hàng tồn để chuẩn bị cho đợt hàng vụ mới.
Thực tế vài tháng gần đây, lượng hạt tiêu Brazil bán ra thị trường nhiều hơn với giá rẻ. Cùng với giá logicstic hợp lý, hạt tiêu Brazil đang chiếm ưu thế trên nhiều thị trường, nhất là tại châu Mỹ. Trong khi đó, sau một thời gian dài ngừng hoạt động, các thương nhân Trung Quốc cũng đã trở lại thu mua tại Việt Nam và Indonesia. Tuy nhiên, sức mua vẫn còn hạn chế và nhu cầu của các khu vực khác như Mỹ, EU không tăng.
Hiện Việt Nam cũng đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu tiêu vào Liên minh châu Âu (EU), do đối thủ cạnh tranh với hồ tiêu của Việt Nam là Brazil đang gặp những bất lợi bởi các vấn đề liên quan đến vi khuẩn Salmonella.
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam vào EU, trong đó có mặt hàng tiêu và gia vị khi 100% dòng thuế của gia vị tại được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Việc này giúp tiêu Việt có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ như Brazil và Indonesia.
Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ tiêu của EU tăng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu Việt Nam gia tăng thị phần ở thị trường này.