Nguồn cung dồi dào, các nước xuất khẩu xả hàng, giá hạt tiêu lại đầy áp lực

08/09/2022 15:10 GMT+7
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước nối dài chuỗi phiên đi ngang ở một số địa phương, giao dịch chỉ từ 66.500 đồng đến dưới 70.000 đồng/kg.

Giữ mức dưới 70.000 đồng/kg, thị trường tiêu sẽ khó bứt phá

Hôm nay (8/9), giá tiêu ổn định ở mức thấp tại các vùng trồng trọng điểm, trong khoảng 66.500 - 70.000 đồng/kg. Thị trường được nhận định là khó bứt phá khi đồng USD mạnh và nguồn cung dồi dào. 

Cụ thể, tại Bà Rịa Vũng Tàu giá tiêu đang được thương lái thu mua ở mức 69.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay duy trì ở mức 67.500 đồng/kg. Tại Gia Lai giá tiêu dao động quanh mốc 66.500 đồng/kg. Tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 68.500 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 67.500 đồng/kg.

Giá tiêu trong nước đang có chuỗi ngày đi ngang sau nhiều phiên điều chỉnh giảm. Trong bối cảnh thị trường hàng hóa đều giảm, Cộng đồng Hồ tiêu thế giới niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam giảm 100 USD/tấn, tương ứng với 3.450 USD/tấn tiêu đen loại 500g/l và 5.300 USD/tấn với tiêu trắng. Theo sữ liệu sơ bộ, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam tháng 8/2022 ước đạt mức 4.003 USD/tấn, giảm 5% so với tháng 7/2022, nhưng tăng 6,1% so với tháng 8/2021.

Nguồn cung dồi dào, các nước xuất khẩu xả hàng, giá hạt tiêu lại đầy áp lực - Ảnh 1.

Báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, tháng 7/2022 so với tháng 7/2021, xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt tiêu của Việt Nam giảm, ngoại trừ hạt tiêu trắng xay.

Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu đen sang nhiều thị trường chính giảm, như Mỹ, các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Trung Quốc. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu đen sang một số thị trường chủ lực tăng, gồm Ấn Độ, Ireland, Hàn Quốc và Đức.

Về hạt tiêu trắng, tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm này đạt gần 16 nghìn tấn, trị giá trên 96 triệu USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 51% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu trắng sang hầu hết các thị trường chính tăng, gồm Mỹ, Hà Lan, Thái Lan, UAE và Ấn Độ. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu trắng sang các thị trường Đức, Trung Quốc và Bangladesh giảm.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp về thị trường hạt tiêu, có thể thấy xuất khẩu tiêu các tháng cuối năm đang giảm dần. Theo các chuyên gia nhận định, các nước nhập khẩu đang xả hàng tồn kho mà họ đã nhập khi giá thấp trước đây ra dùng, chứ không mua mới. Trên cơ sở đó có thể nhận định nguồn cung hạt tiêu không thiếu.

Vụ thu hoạch tiêu tại Brazil, Indonesia vừa kết thúc, mấy tháng nữa sẽ tới vụ thu hoạch mới của Việt Nam. Nguồn cung được bổ sung liên tục sẽ là áp lực lớn cho giá tiêu những tháng cuối năm.

Theo báo cáo mới đây của Nedspice, vụ mùa tại bang Pará của Brazil dự kiến sẽ được thu hoạch vào tháng 9, hiện các nhà đầu cơ đang thanh lý hàng trước vụ mùa mới. Điều này đã đẩy giá tiêu đen của Brazil giảm 12% so với tháng trước và giảm 15% so với năm ngoái.

Tại Việt Nam, điều kiện thời tiết khá thuận lợi trong giai đoạn tiêu ra hoa và đậu trái ở hầu hết các khu vực sản xuất chính mang đến nhiều hứa hẹn cho vụ mùa sắp tới. Ước tính ban đầu về sản lượng vụ mùa năm 2023 vào khoảng 200.000 – 210.000 tấn, tăng khoảng 10 – 15% so với năm 2022.

Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa các vùng sản xuất, với Gia Lai sản lượng tiêu dự kiến tiếp tục xu hướng giảm trong khi Đắk Lắk dường như đang phục hồi tốt sau khi giảm vào năm ngoái.

Dự báo thị trường hạt tiêu toàn cầu vẫn chịu áp lực do căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc. Hiện vụ thu hoạch hạt tiêu tại Indonesia và Trung Quốc gần kết thúc. Sản lượng hạt tiêu đen của Indonesia tương đương năm 2021, nhưng sản lượng hạt tiêu trắng dự kiến thấp hơn khoảng 15%. 

Sang tháng 9, vụ thu hoạch hạt tiêu ở Brazil vào cao điểm, năng suất dự kiến tương đương năm ngoái. Các nhà xuất khẩu Brazil đang đẩy mạnh bán hàng tồn để chuẩn bị cho đợt hàng vụ mới. Thực tế vài tháng gần đây, lượng hạt tiêu Brazil bán ra thị trường nhiều hơn với giá rẻ. Cùng với giá logicstic hợp lý, hạt tiêu Brazil đang chiếm ưu thế trên nhiều thị trường, nhất là tại châu Mỹ. 

Trong khi đó, sau một thời gian dài ngừng hoạt động, các thương nhân Trung Quốc cũng đã trở lại thu mua tại Việt Nam và Indonesia. Tuy nhiên, sức mua vẫn còn hạn chế và nhu cầu của các khu vực khác như Hoa Kỳ, EU không tăng.

Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho biết, Trung Quốc đã quay trở lại mua tiêu nhưng điều này có thể không đủ để thúc đẩy thị trường do Brazil và Indonesia đang bước vào mùa thu hoạch trong năm 2022. IPC kỳ vọng thị trường hạt tiêu sẽ ổn định và tăng lên trong tháng 11 và tháng 12/2022.

Nhu cầu yếu vẫn là yếu tố kìm hãm sự phục hồi của giá tiêu trong nước. Sức cầu của thị trường đang đối mặt với nguy cơ giảm sút khi lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ, hai thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất của nước ta.

Đáng chú ý, theo số liệu của VPA, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đã giảm đến 79,5% (tương ứng 26.560 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 6.836 tấn. Sau khi tăng mạnh trong tháng 6 xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc đã chững lại và giảm 59% trong tháng 7, chỉ đạt 1.227 tấn.

Hạt tiêu Việt phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc

Hiện cán cân cung cầu mặt hàng hạt tiêu năm 2022 chuyển dần về trạng thái cân bằng. Tổng lượng tồn và sản xuất vẫn đủ đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc từ đầu năm trì trệ càng khiến đà tăng của thị trường thêm khó khăn.

Các chuyên gia nhận định, giá tiêu thế giới trong thời gian tới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại. Thời điểm hiện tại, giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.

Doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng để sản xuất và xuất khẩu nên lực mua chậm và yếu hơn so với diễn biến của thị trường.

Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA), nguồn cung hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 280 – 290 nghìn tấn (bao gồm 175 nghìn tấn sản lượng; 40 nghìn tấn nhập khẩu và 80 nghìn tấn tồn kho từ năm 2021 chuyển sang). 

Tháng 8/2022, giá hạt tiêu nội địa giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhất là ở các nước tiêu thụ hạt tiêu lớn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Ngày 29/8/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm từ 5.000 – 5.500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 29/7/2022, xuống mức 66.500 – 70.0000 đồng/kg; Giá hạt tiêu trắng ở mức 105 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022 và thấp hơn so với mức 117.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Theo ước tính, tháng 8/2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 18 nghìn tấn, trị giá 72 triệu USD, giảm 5,3% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với tháng 7/2022, so với tháng 8/2021 tăng 3,0% về lượng và tăng 9,3% về trị giá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 161 nghìn tấn, trị giá 712 triệu USD, giảm 18,8% về lượng, nhưng tăng 8,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam tháng 8/2022 ước đạt mức 4.003 USD/tấn, giảm 5,0% so với tháng 7/2022, nhưng tăng 6,1% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.434 USD/tấn, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2021. 

Từ đầu tháng 8/2022, thị trường châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Đông có dấu hiệu chuyển dịch nguồn cung sang Brazil để mua hàng vụ mới do chi phí Logistics và giá cả thấp hơn. Các nhà nhập khẩu châu Âu và Hoa Kỳ đã ký hợp đồng với các nhà xuất khẩu Việt Nam đến cuối năm nay. Trong khi đó, sức mua từ thị trường Trung Quốc yếu. Do đó, giá hạt tiêu tại thị trường nội địa khó có thể tăng trở lại trong ngắn hạn. 

Về chủng loại: Tháng 7/2022 so với tháng 7/2021, xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt tiêu giảm, ngoại trừ hạt tiêu trắng xay. Trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu đen, hạt tiêu đen xay, hạt tiêu trắng xay giảm, nhưng xuất khẩu hạt tiêu trắng tăng so với cùng kỳ năm 2021. 

Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt xấp xỉ 13,3 nghìn tấn, trị giá 54,35 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 20,1% về trị giá so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 100,54 nghìn tấn, trị giá 427,91 triệu USD, giảm 27,1% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu đen sang nhiều thị trường chính giảm, như: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Trung Quốc. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu đen sang một số thị trường chủ lực tăng, gồm: Ấn Độ, Ai Len, Hàn Quốc, Đức. 

Tháng 7/2022, xuất khẩu hạt tiêu trắng đạt 1,64 nghìn tấn, trị giá 9,17 triệu USD, giảm 33,2% về lượng và giảm 22,8% về trị giá so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu trắng đạt gần 16 nghìn tấn, trị giá trên 96 triệu USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 51% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu trắng sang hầu hết các thị trường chính tăng, gồm: Hoa Kỳ, Hà Lan, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu trắng sang các thị trường Đức, Trung Quốc, Bangladesh giảm.

Để giảm thiểu những tác động của thị trường, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tránh những rủi ro của giá lên xuống bấp bênh, ngành tiêu trong nước cần thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sự ổn định để có đầu ra bền vững.

Nguồn cung dồi dào, các nước xuất khẩu xả hàng, giá hạt tiêu lại đầy áp lực - Ảnh 2.

Từ giờ đến hết 2022, thị trường trông chờ vào lực cầu từ thị trường hơn tỷ dân Trung Quốc và những thị trường khác khi bước vào giai đoạn tiêu dùng dịp lễ Tết cuối năm.

Có ý kiến nhận định thị trường hạt tiêu sẽ tăng trở lại vào giữa quý III, khi nhu cầu nhập khẩu cho những kỳ lễ hội cuối năm và dịp Tết ở các quốc gia tăng cao. Ngoài ra, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam còn kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc khi nước này mua thêm khoảng 30.000 - 40.000 tấn hạt tiêu trong 6 tháng còn lại của năm 2022.

Thời điểm hiện tại giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Hoa Kỳ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.

Doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng để sản xuất và xuất khẩu nên lực mua chậm và yếu hơn so với diễn biến của thị trường.

Các chuyên gia đánh giá, giá hạt tiêu tương đối ổn định trong những tháng qua bởi lượng hàng dự trữ đủ để đáp ứng nhu cầu. Thương lái Trung Quốc và các nhà xuất khẩu lớn ở Việt Nam đang trong trạng thái chờ đợi, trong khi nông dân và đại lý nhỏ có xu hướng giữ hàng với dự đoán mức giá cao hơn.

Ngay từ cuối năm ngoái, VPA nhận định chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc tác động không nhỏ tới thị trường hạt tiêu Việt Nam khi 90% lượng hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Do đó, chỉ khi thị trường này tăng mạnh nhập khẩu tiêu các tháng còn lại của năm nay như dự báo nêu trên thì xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ khởi sắc.

Những bất ổn về địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng Nga-Ukraine hiện vẫn đang còn tác động đến tiêu thụ tiêu. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ còn biến động trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu còn lên xuống thất thường.

Căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tác động tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng trên toàn cầu, trong đó có hạt tiêu.

Theo Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), lượng hàng trong kho ở các quốc gia tiêu thụ vẫn còn đáp ứng đủ nhu cầu, do đó, giá hạt tiêu toàn cầu trong những tháng qua và bây giờ không cho thấy sự dao động lớn mặc dù sản lượng được dự báo tiếp tục giảm 3% trong năm 2022, chủ yếu giảm từ Việt Nam và Ấn Độ.

Doanh nghiệp xuât khẩu tiêu đánh giá, lượng hàng tồn hiện tại ước khoảng 80.000 - 100.000 tấn. Đây là khối lượng tương đối cao trong bối cảnh xuất khẩu các tháng đầu năm suy giảm. Nguyên nhân xuất khẩu suy giảm do tình hình lạm phát toàn cầu, Trung Quốc kiên trì chính sách "Zero Covid" và cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết.

Đồng USD mạnh khiến thị trường hồ tiêu nói riêng và các loại hàng hóa nói chung tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dòng tiền tiếp tục trú ẩn vào đồng USD, giá cả các mặt hàng thị trường hàng hóa đa phần đều giảm.

Tại cuộc họp ban chấp hành Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam quý II, nhận định về triển vọng giá tiêu từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp cho rằng kịch bản tích cực nhất thì giá tiêu cũng chỉ có thể tăng nhẹ. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu tiêu gặp nhiều khó khăn, các chuyên gia cho rằng việc phát triển sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân; đồng thời giúp ngành tiêu phát triển bền vững. 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục