Giá vàng hôm nay 20/3: Vàng ghi nhận tuần giảm sâu nhất, trong nước mất hơn 1 triệu đồng/lượng
Trong nước, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (19/3), giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 67,8- 68,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 120 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Với mức giá này, giá vàng giảm 1,4 triệu đồng/lượng trong tuần qua.
Cụ thể, giá vàng giảm mạnh ngay trong những ngày giao dịch đầu tuần 14-15/3, sau đó biến động trái chiều trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 16/3. Ngày 17-18/3, giá vàng bật tăng trở lại, song biên độ dao động hẹp.
Trên thị trường thế giới, giá vàng đi xuống trong phiên 18/3 và ghi nhận mức giảm hằng tuần mạnh nhất kể từ tháng 11/2021 do tác động từ các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine.
Cụ thể, trong phiên đầu tuần 14/3, giá vàng giao tháng 4 giảm 24,2 USD (1,22%) xuống 1.960,8 USD/ounce.
Trong phiên 15/3, đà giảm duy trì khi giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ giảm 1,59% xuống 1.929,7 USD/ounce.
Tới phiên 16/3, giá vàng tiếp tục giảm 20,5 USD (1,06%) và đóng cửa ở mức 1.909,2 USD/ounce do kỳ vọng về đợt nâng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2022 của Fed.
Chốt phiên 17/3, giá vàng thế giới tăng 34 USD, hay 1,78%, lên 1.943,2 USD/ounce, đánh dấu phiên tăng giá đầu tiên trong 5 phiên, do quan ngại về cuộc khủng hoảng tại Ukraine trở lại.
Như vậy, với mức giảm trong phiên chốt tuần (18/3), giá vàng thế giới đã mất 2,8% trong cả tuần qua, đánh dấu tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2021 tới nay. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ mất 0,7% xuống 1.929,30 USD/ounce.
Có thể thấy tuần qua, vàng giảm giá do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có một vài diễn biến tích cực. Bên cạnh đó, vàng giảm giá còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu giảm. Giá dầu thô dần trở về ngưỡng 100 USD/thùng (từ đỉnh 140 USD trong tuần trước) nhờ dấu hiệu tích cực từ đàm phán Nga - Ukraine.
Kết thúc cuộc họp vào ngày 16/3, Fed thông báo sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 0,25-0,5% và cũng công bố kế hoạch về các lần tăng lãi suất sắp tới.
Giá vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ. Điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời. Lãi suất cao hơn, nhằm mục đích kiềm chế lạm phát, cũng làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Các chuyên gia nhận định: Giá vàng có thể tiếp tục giằng co trong ngắn hạn sau khi nhu cầu đối với kim loại quý này bị ảnh hưởng bởi hy vọng về tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine cùng tác động từ quyết định tăng lãi suất của Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá vàng miếng 9999 tại SJC và Doji niêm yết như sau: SJC Hà Nội: 67,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,92 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC TP.HCM: 67,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,9 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji Hà Nội: 67,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,9 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM: 68 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69 triệu đồng/lượng (bán ra).