Giá vàng lại quay đầu giảm 'sốc'

08/03/2022 13:28 GMT+7
Giá vàng lại quay đầu giảm mạnh, đến 13 giờ chiều nay, các doanh nghiệp đã điều chỉnh giá vàng SJC xuống còn 72,5 triệu đồng/lượng, giảm tới hơn 2 triệu đồng/lượng so với mở cửa phiên sáng.

Tính đến 13 giờ 30 chiều ngày 8/3, giá vàng SJC trong nước đảo chiều giảm mạnh từ 1,4-2,2 triệu đồng so với mở cửa phiên sáng và hiện giao dịch quanh mức 72,2-72,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC niêm yết từ 70,4-72,2 triệu đồng/lượng, giảm 2,2 triệu đồng/lượng so với mở cửa phiên sáng.

Công ty Doji Hà Nội cũng giảm 1,9 triệu đồng đối với giá vàng SJC so với mở cửa phiên sáng và giảm 1 triệu đồng so với chốt phiên trước, hiện giá mua và bán tại doanh nghiệp này từ 70,5-72,5 triệu đồng/lượng.

Tương tự, tại Công ty Phú Quý điều chỉnh mức giá mới từ 70,40-72,8 triệu đồng/lượng, giảm 1,4 triệu đồng/lượng so với phiên sáng và giảm 400.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Trong khi đó, tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng Rồng Thăng Long cả phiên sáng nay đều không có sự điều chỉnh, hiện đang giao dịch quanh mức 56,07-57,42 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng đang đứng ở ngưỡng 1.997,7 USD/ounce lúc 13 giờ chiều nay (giờ Việt Nam), giảm nhẹ 0,9 USD. 

Đầu giờ sáng 8/3 (theo giờ Việt Nam) giá vàng giao ngay trên sàn Kitco mức 1986,2 USD/ounce, giảm 14,1 USD/ounce so với cuối giờ chiều 7/3. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu (1 USD = 22.990 VND) giá vàng thế giới tương đương 55,01 triệu đồng/lượng, thấp hơn 18,39 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra ở cùng thời điểm.

Trước đó, giá vàng trong nước tăng mạnh, vượt ngưỡng 74,5 triệu đồng/lượng. Theo giới phân tích, yếu tố tâm lý cho rằng giá vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng do tình hình căng thẳng ở Ukraine nên nhà đầu tư trong nước tiếp tục nắm giữ vàng SJC, thay vì bán ra. Đặc biệt, nguồn cung vàng SJC ngày càng hạn chế khi nhiều năm nay Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng để dập vàng miếng SJC.

Ngoài ra, dưới tác động của dịch bệnh và nguy cơ lạm phát tăng cao, người dân hạn chế bán vàng cũng góp phần khiến nguồn cung thiếu hụt. Giá vàng liên tiếp tăng mạnh trước đó còn có thể do doanh nghiệp phòng thủ, giảm rủi ro khi thị trường biến động mạnh.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục