Giao ACV "độc quyền" khai thác sân bay: Vì sao Bộ Tư pháp phản đối?

09/01/2020 09:48 GMT+7
Nêu lý do ACV là một công ty cổ phần, không phải cơ quan Nhà nước, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT làm rõ cơ sở pháp lý việc lựa chọn đơn vị này làm nhà đầu tư tại nhiều cảng hàng không.

Cần đánh giá tổng thể năng lực và hiệu quả quản lý của ACV

Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đang lấy ý kiến đề xuất về "Định hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không" để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo đề án, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với vai trò công ty cổ phần, nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (95,4% vốn điều lệ), có vai trò chủ đạo trong đầu tư khai thác cảng hàng không.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tư pháp có văn bản gửi tới Bộ GTVT trả lời về nội dung "Định hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không" để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Bộ Tư pháp phân tích, trong báo cáo định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không, Bộ GTVT đã trình bày kinh nghiệm quốc tế liên quan đến vấn đề này và đề xuất định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không. Tuy nhiên, chỉ thực hiện kêu gọi xã hội hoá đầu tư cảng đối với 3 cảng hàng không là Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị.

Giao ACV "độc quyền" khai thác sân bay: Vì sao Bộ Tư pháp phản đối? - Ảnh 1.

ACV được giao làm nhà đầu tư tại nhiều cảng hàng không. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, 22 cảng hàng không hiện do ACV quản lý, khai thác và cảng hàng không quốc tế Long Thành thì không thực hiện xã hội hoá đầu tư toàn cảng, có thể thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không không thiết yếu và công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không...

Sau khi xem xét báo cáo của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT cần đánh giá tổng thể về năng lực và hiệu quả quản lý của ACV đối với 22 cảng hàng không nêu trên (trừ cảng hàng không Long Thành đang trình Quốc hội cho ý kiến) để làm cơ sở xem xét, quyết định việc thực hiện xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không này hay tiếp tục giao ACV quản lý và chỉ thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình.

Văn bản của Bộ Tư pháp nêu: Nghị quyết số 13-NQQ/TW đã chủ trương huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, "tiếp tục dành vốn nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động nguồn lực xã hội".

Bên cạnh đó, Nghị quyết 12-NQ/TW của hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước cùng chủ trương doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Vì vậy, đối với các cảng hàng không không phải là cảng quan trọng, thiết yếu mà Nhà nước cần đầu tư, sở hữu và ACV quản lý không hiệu quả, trong khi các nhà đầu tư tư nhân quan tâm thì nên mở rộng thực hiện xã hội hoá toàn bộ cảng hàng không này, bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW và Nghị quyết số 12-NQ/TW.

Đối với việc Bộ GTVT đề nghị giao cho ACV chủ trì thực hiện trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay, được Bộ GTVT phê duyệt và quy trình lựa chọn nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền ban hành, Bộ Tư pháp đề nghị xem xét lại kiến nghị này.

Theo Bộ Tư pháp, cần làm rõ cơ sở pháp lý của kiến nghị này vì ACV là một công ty cổ phần, không phải cơ quan Nhà nước để thay mặt Nhà nước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không.

"Việc lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không phải thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo công khai minh bạch và hiệu quả. Ngoài ra, báo cáo của Bộ GTVT không có nhiều nội dung mang tính kỹ thuật chuyên ngành, đề nghị Bộ GTVT phải xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện", văn bản của Bộ Tư pháp nêu rõ.

Đấu thầu để đảm bảo công khai, minh bạch

Trả lời VTC News về việc giao cho ACV khai thác sân bay, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, cần thiết phải qua đấu thầu chọn nhà đầu tư với công trình, dự án công được đầu tư bằng vốn nhà nước, ví dụ như ga T3 Tân Sơn Nhất thay vì đề xuất phương án lựa chọn ACV.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ nói: "Tôi biết lập luận của những người muốn chỉ định thầu là bỏ đấu thầu đi để làm cho nhanh, cho kịp tiến độ. Nhưng thực tế ta biết quá trình ấy không phải bao giờ cũng diễn ra như vậy, không có gì đảm bảo chỉ định thầu có thể làm nhanh hơn được. Đấu thầu qua nhiều khâu, nhiều thủ tục nhưng đảm bảo công khai, minh bạch".

"Nếu không phải là những trường hợp cấp bách, buộc phải dùng công cụ điều hành trực tiếp để xử lý nhằm kiểm soát được tình hình, hoặc gắn với lợi ích an ninh quốc gia… thì không nên lạm dụng. Trong mọi trường hợp, nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, họ có sức mạnh và họ cần lớn lên để thành thực lực kinh tế của Việt Nam", ông Thiên nêu quan điểm.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cầu lớn nguồn cung không đáp ứng đủ nên việc xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là cấp thiết. Tuy nhiên cách thức thực hiện như thế nào là câu chuyện phải bàn.

Ông Long cho rằng hiện có hai quan điểm, Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch - Đầu tư căn cứ vào Luật Hàng không và dựa trên cơ sở tiềm lực tài chính của ACV để giao cho doanh nghiệp này thực hiện xây dựng, trong khi có nhiều nhà đầu tư tư nhân ngỏ ý quan tâm.

Tuy nhiên theo Luật Đầu tư, dự án xây dựng nhà ga T3 vào khoảng gần 11.000 tỷ đồng, thuộc Chính phủ quản lý, là phải đấu thầu. Cụ thể, Luật Đầu tư 2014 quy định: Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng.

"Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.990 tỷ đồng. Do vậy, dự án này sẽ phải được Bộ Kế hoạch – Đầu tư thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư", PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho biết thêm, kinh tế thị trường là cạnh tranh, mà đảm bảo cạnh tranh là phải đấu thầu. Tránh tập trung quá mức vào một doanh nghiệp sinh ra độc quyền. "Xoay quanh cảng hàng không hiện có nhiều sự độc quyền làm cho phí đội lên rất cao. Ví dụ như các đường dẫn ra vào sân bay đều thu vé, thu phí hay mọi dịch vụ sân bay đều thu phí…", ông Long nhấn mạnh.

Theo định hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không, ACV vẫn được giao đầu tư 23 sân bay, các doanh nghiệp tư nhân nếu muốn đầu tư sẽ phải "chiến đấu" để giành suất tại 3 sân bay mới.

Lý giải việc tiếp tục duy trì vị thế "độc quyền tự nhiên" cho ACV, Bộ GTVT cho rằng do ACV có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, bộ máy trong quản lý đầu tư, khai thác, kinh doanh CHK, đặc biệt là quản lý khai thác khu bay.

Theo VTCNews
Cùng chuyên mục