Giao dịch sắn sôi động, giá tăng nhưng Trung Quốc yêu cầu Việt Nam làm ngay điều này

16/02/2022 13:36 GMT+7
Giao dịch sắn lát tại khu vực miền Trung và miền Nam đầu tháng 2/2021 tiếp tục sôi động với giá tăng từ 50-100 đồng/kg.

Hầu hết các kho đều đã thu mua sắn trở lại

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đầu tháng 2/2022 đến nay, giao dịch sắn lát tại khu vực miền Trung và miền Nam tiếp tục sôi động với giá tăng từ 50-100 đồng/kg, hầu hết các kho đều đã thu mua sắn trở lại. Một số cửa khẩu tại Lạng Sơn và Móng Cái (Quảng Ninh) đã thông quan trở lại. 

Giao dịch sắn sôi động, giá tăng nhưng Trung Quốc yêu cầu Việt Nam làm ngay điều này - Ảnh 1.

Giao dịch sắn lát tại khu vực miền Trung và miền Nam đầu tháng 2/2021 tiếp tục sôi động với giá tăng từ 50-100 đồng/kg.

Chỉ đơn cử tại tỉnh Thanh Hóa hiện có 12.000 ha sắn, với năng suất từ 18 đến 20 tấn/ha, chủ yếu là các loại giống KM 94 và KM 140. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn với quy mô 600 tấn sản phẩm/ngày. Nhu cầu nguyên liệu để sản xuất cần tới 250.000 300.000 tấn củ săn tươi. Tuy nhiên diện tích và năng suất trên mới đảm bảo được 60% công suất nhà máy, nên các nhà máy thu mua ở các tỉnh khác và nhập khẩu sắn từ Lào để đảm bảo sản xuất. Hàng năm, sản lượng tinh bột sắn của các nhà máy đạt khoảng 70.000 tấn, 100% hàng hóa đều xuất khẩu.

Năm 2021, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,94 triệu tấn, trị giá 913,37 triệu USD, giảm 5% về lượng, nhưng tăng 11,4% về trị giá so với năm 2020; giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn sang Trung Quốc đạt 471 USD/tấn, tăng 17,2% so với năm 2020. 

Giao dịch sắn sôi động, giá tăng nhưng Trung Quốc yêu cầu Việt Nam làm ngay điều này - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Việt Nam xuất khẩu được 765,38 nghìn tấn sắn lát khô sang Trung Quốc trong năm 2021, với trị giá 193,03 triệu USD, tăng 54,1% về lượng và tăng 80% về trị giá so với năm 2020; giá xuất khẩu bình quân sắn lát khô sang Trung Quốc đạt 252 USD/tấn, tăng 16,8% so với năm 2020.

Với mặt hàng sắn lát, theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong năm 2021, kim ngạch nhập khẩu sắn lát (mã HS 071410) của Trung Quốc đạt 1,52 tỷ USD, tăng 95,1% so với năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Indonesia là các thị trường cung cấp sắn lát lớn nhất cho Trung Quốc trong năm 2021. 

Năm 2021, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc với kim ngạch đạt 154,14 triệu USD, tăng 60,7% so với năm 2020. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 10,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, giảm so với mức 12,3% của năm 2020. 

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu sắn lát của Thái Lan với 1,35 tỷ USD, tăng tới 115,6% so với năm 2020. Thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 88,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 80% của năm 2020.

Giao dịch sắn sôi động, giá tăng nhưng Trung Quốc yêu cầu Việt Nam làm ngay điều này - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Với tinh bột sắn, trong năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 3,48 triệu tấn tinh bột sắn (mã HS 11081400), trị giá 1,67 tỷ USD, tăng 26,4% về lượng và tăng 48,2% về trị giá so với năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesiaa, Lào và Campuchia. 

Trong đó, Thái Lan là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 2,54 triệu tấn, trị giá 1,23 tỷ USD, tăng 50,3% về lượng và tăng 74,3% về trị giá so với năm 2020. 

Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc trong năm 2021, với 611,96 nghìn tấn, trị giá 287,31 triệu USD, giảm 37,7% về lượng và giảm 26,1% về trị giá so với năm 2020. 

Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 17,6%, giảm mạnh so với mức 35,6% của năm 2020. Trong khi đó, thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 72,9%, tăng mạnh so với mức 61,3% của năm 2020. 

Đáng chú ý, trong năm 2021, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu tinh bột sắn từ Indonesia với 245,43 nghìn tấn, trị giá 111,72 triệu USD, tăng tới 2.555,5% về lượng và tăng 2.925,9% về trị giá so với năm 2020. Thị phần tinh bột sắn của Indonesia chiếm 7% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 0,3% của năm 2020.

Giao dịch sắn sôi động, giá tăng nhưng Trung Quốc yêu cầu Việt Nam làm ngay điều này - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Trung Quốc yêu cầu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu phải bọc màng nylon 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2022, nhu cầu sắn của Trung Quốc vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Cơ quan Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ đầu năm 2022. Trung Quốc đã có những quy định mới khắt khe hơn áp dụng đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Trung Quốc không chỉ yêu cầu về bao bì, mẫu mã, mà còn yêu cầu về nội dung hồ sơ.

Giao dịch sắn sôi động, giá tăng nhưng Trung Quốc yêu cầu Việt Nam làm ngay điều này - Ảnh 5.

Tại thị trường Trung Quốc, sắn của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sắn của Thái Lan và Indonesia.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới, nhập khẩu 2 mặt hàng này của Trung Quốc đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Trong 11 tháng năm 2021, nhập khẩu sắn của Trung Quốc đạt 1,41 tỷ USD, tăng 97,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam đạt 140,86 triệu USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần sắn của Việt Nam chiếm 9,9% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 12,8% của cùng kỳ năm 2020.

Tại thị trường Trung Quốc, sắn của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sắn của Thái Lan và Indonesia. Nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 đạt 1,52 tỷ USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 258,22 triệu USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 17% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, giảm mạnh so với mức 35,8% của 11 tháng năm 2020.

Được biết, mới đây, để đảm bảo phòng dịch, Trung Quốc yêu cầu với mặt hàng khô của Việt Nam, bên ngoài bao bì phải được bọc màng nylon, tránh virus xâm nhập. Phía Trung Quốc lý giải việc này sẽ tránh để virus xâm nhập vào hàng hóa và đồng thời là yêu cầu của cấp trên, cần triển khai thực hiện trong thời gian tới do hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm. Liên quan đến nội dung này, phía Việt Nam nhất trí sẽ thực hiện tuyên truyền theo yêu cầu của phía Trung Quốc.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục