Giới quan sát lường trước 3 kịch bản tẩy chay Thế Vận hội Bắc Kinh 2022
Các nhà phân tích của Eurasia Group nhận định rằng không riêng chính phủ, các doanh nghiệp phương Tây cũng đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ những nhà phê bình chính trị và các nhóm ủng hộ nhân quyền về việc tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.
Trong một báo cáo được công bố gần đây, Eurasia Group cho rằng “Trung Quốc sẽ trừng phạt các quốc gia tẩy chay Thế vận hội bằng hàng loạt biện pháp trả đũa thương mại và chính trị với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều”.
Các nhà vận động chính trị đã tập trung vào cáo buộc Bắc Kinh tiến hành hàng loạt cuộc đàn áp có chủ đích với nhóm người dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương. Nhóm này kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh như một đòn trừng phạt Trung Quốc vì hành vi đàn áp, phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng cũng như diễn biến chính trị căng thẳng ở Hong Kong và Đài Loan.
Tháng trước, chính phủ Mỹ, Anh và Canada đã ra một tuyên bố chung cáo buộc Trung Quốc có hành động “đàn áp” người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bao gồm tình trạng lao động cưỡng bức cũng như bắt giam người trong các trại giam giữ tập thể. Chính phủ Bắc Kinh từng nhiều lần bác bỏ các cáo buộc như vậy, phản bác rằng đó là những lời lẽ “dối trá ác độc” hòng “bôi nhọ Trung Quốc”.
Khi căng thẳng leo thang, các tập đoàn đa quốc gia nhanh chóng bị mắc kẹt giữa hai bên.
Cuối tháng 3 vừa qua, nhà bán lẻ H&M trở thành nạn nhân mới nhất khi Trung Quốc phản ứng dữ dội về một tuyên bố mà thương hiệu Thụy Điển đưa ra vào năm ngoái, trong đó bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” trước cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Ngay sau đó, hàng triệu người dùng Trung Quốc đã kêu gọi tẩy chay H&M, các sản phẩm của thương hiệu này cũng bị gỡ khỏi những trang thương mại điện tử hàng đầu thị trường tỷ dân.
3 kịch bản tẩy chay
Eurasia đưa ra 3 kịch bản tẩy chay có thể xảy ra với Thế Vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 tới đây: tẩy chay ngoại giao, tẩy chay thể thao và tẩy chay phi chính thức.
Tẩy chay ngoại giao
Theo Eurasia, kịch bản có khả năng xảy ra nhất - với xác suất 60% - là Mỹ sẽ cùng ít nhất một quốc gia phương Tây khác khởi xướng tẩy chay ngoại giao với Thế Vận hội. Nghĩa là phương Tây sẽ không cử đại diện chính phủ đến Thế Vận hội cũng như không thực hiện mọi nghi thức cấp cao khác nhằm công nhận Trung Quốc với tư cách chủ nhà Thế Vận hội.
Trong kịch bản như vậy, có khả năng Canada, Anh, Úc và một số đồng minh tại EU của Mỹ sẽ là các nước hưởng ứng. Tuy nhiên, ở châu Á, các đồng minh Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ dự kiến sẽ không tham gia cuộc tẩy chay như vậy do mối quan hệ địa chính trị và kinh tế sâu sắc, mật thiết hơn với Trung Quốc.
Tẩy chay thể thao
Trong trường hợp này, có xác suất 30% rằng một hoặc nhiều quốc gia phương Tây có thể cấm vận động viên tham gia Thế Vận hội Bắc Kinh 2022. Thêm vào đó, chính phủ có thể cấm khán giả, đài truyền hình cũng như các nhà tài trợ Mỹ tham gia các hoạt động Thế Vận hội, một động thái mang ý nghĩa như sự tẩy chay kinh tế.
Các nhà phân tích của Eurasia nhận định động thái tẩy chay thể thao và kinh tế như vậy nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh có đòn trả đũa gay gắt hơn, thậm chí đóng băng ngoại giao hoặc tẩy chay các thương hiệu phương Tây.
Tẩy chay phi chính thức
Các nhà phân tích cho biết, đây là một kịch bản ngoại lệ khi căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc giảm bớt, phương Tây sẽ có những tuyên bố chính trị về Thế Vận hội nhưng không có sự tẩy chay chính thức nào. Trong kịch bản như vậy, các nguyên thủ quốc gia có thể từ chối tham dự Thế Vận hội, viện dẫn những xung đột lịch trình hoặc các lý do phi chính trị khác. Sẽ không có tuyên bố tẩy chay nào được đưa ra.
Tuy nhiên, đó là kịch bản ít khả năng xảy ra nhất và chỉ có 10% cơ hội trở thành hiện thực, do “khó có lý do để lạc quan về quan hệ Trung Quốc - phương Tây”.