Gỡ nút thắt hút vốn ngoại vào nông nghiệp
Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn - IPSARD (Bộ NNPTNT) vừa thông tin: Tính đến hết năm 2019, vốn FDI vào nông nghiệp (ngành hàng nông, lâm, thủy sản) đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 0,97% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong khi mức trung bình toàn cầu là 3% của tổng vốn FDI.
Cụ thể, các đối tác quan trọng nhất đầu tư FDI vào nông nghiệp Việt Nam gồm: Đài Loan (Trung Quốc), quần đảo Virgin (Anh), Singapore, Thái Lan chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Theo đánh giá của IPSARD, vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp còn thấp và thiếu ổn định. Hiệu quả FDI vào lĩnh vực nông lâm thủy sản chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh của nước ta trong lĩnh vực nông nghiệp. Vốn FDI tập trung chủ yếu vào một số tỉnh, địa phương. Đối tác nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp còn thiếu tính đa dạng.
Đơn cử như Hà Nội, là 1 trong 3 địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 8,45 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dòng vốn FDI vào khu vực nông nghiệp của Hà Nội nói riêng còn rất hạn chế.
Đáng chú ý, TS Nguyễn Anh Phong- Giám đốc Trung tâm IPSARD thẳng thắn nêu thực trạng: Thủ tục hành chính kéo dài, môi trường đầu tư không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, để hoàn tất các thủ tục về thuế, doanh nghiệp phải mất 478 giờ, kèm theo những loại chi phí không chính thức để hoàn thành các thủ tục; các doanh nghiệp còn bị thanh, kiểm tra thuế năm lần/năm, có doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra 6-7 lần, kéo dài 1-2 ngày/lần. Môi trường kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam chỉ ở dưới mức trung bình chung của thế giới và chỉ xếp trên Lào, Campuchia và Myanmar nếu chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, việc đăng ký kinh doanh giống cây trồng đòi hỏi nhiều điều kiện nghiêm ngặt, chi phí cao. Thời gian cấp giấy chứng nhận cho giống mới mất tới 901 ngày, trong khi Philippines chỉ mất 571 ngày và Myanmar chỉ mất 306 ngày. Mọi thủ tục như đăng ký giấy phép nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, khảo nghiệm, đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu sản phẩm cũng mất nhiều thời gian. Ngoài ra, vấn nạn hàng gian, hàng nhái tràn ngập, sự yếu kém trong lĩnh vực logistics cũng làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt. Nguồn tín dụng dành cho nông nghiệp cũng hết sức hạn chế, thời gian cho vay còn quá ngắn, cao nhất cũng chỉ bốn năm, trong khi đầu tư vào ngành này đòi hỏi nhiều thời gian để thu hồi vốn và có lợi nhuận.
Để thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025, giới chuyên gia nhấn mạnh, “nút thắt” của ngành nông nghiệp sẽ được gỡ nếu những chính sách về thuế, đất đai và vốn có sự thay đổi. Bên cạnh đó, cần khuyến khích đầu tư vào các ngành chế biến nông sản có giá trị gia tăng cao. Ưu tiên chọn lọc nhà đầu tư về mức độ lan tỏa công nghệ, kết nối chuỗi toàn cầu, bền vững về môi trường, thận trọng trong phê duyệt, cấp phép cho thành lập và mở rộng các dự án đầu tư. Khuyến khích các dự án FDI thực hiện theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược thu hút FDI, lĩnh vực nông nghiệp cần cải thiện môi trường đầu tư; đảm bảo tính minh bạch của hệ thống chính sách...
Ở một góc nhìn khác, ThS Vũ Thị Thuý Hằng- Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất. Để tạo quỹ đất sạch cho DN, địa phương có thể sử dụng đến quỹ đất công đã được quy hoạch. Thu hồi những diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, đất dự án bỏ hoang, đất không thực hiện đúng cam kết... để giao lại đất dài hạn cho DN ứng dụng CNC. Vận động người dân liên kết với doanh nghiệp, theo đó người dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư, người dân được nhận vào công ty để đào tạo và làm việc. Bên cạnh đó, cần tiến tới xóa bỏ hạn điền, kéo dài thời hạn sử dụng đất.