Goldman Sachs vẫn tin tăng trưởng toàn cầu đi đúng hướng

27/03/2019 11:15 GMT+7
Ngược với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho thấy sự lạc quan trong triển vọng kinh tế toàn cầu

Ảnh minh họa

Trái ngược với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho thấy sự lạc quan trong triển vọng kinh tế toàn cầu.

Các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết nguy cơ suy thoái đối với hai nền kinh tế Đức và Trung Quốc đang bị thổi phồng, các tài sản rủi ro toàn cầu vẫn thu hút giới đầu tư.

Ngày 24/3, Goldman Sachs tuyên bố rằng các khoản đầu tư mạo hiểm sẽ có một “bức tranh tươi sáng”, trong trường hợp các sự kiện như Brexit và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đàm phán thành công.

Các thị trường chứng khoán trên thế giới ngày 22/3 bị bán tháo mạnh sau khi dữ liệu xấu từ Đức cho thấy suy thoái toàn cầu sắp xảy ra. Cùng ngày, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm đảo chiều. Các nhà đầu tư xem đây là dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái có thể sắp xảy ra.

Thị trường trái phiếu đi xuống dẫn tới tình trạng tương tự trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên, Goldman cho rằng các nhà đầu tư nên bình tĩnh.

“Chúng tôi nghĩ rằng đó là một phản ứng thái quá”, các nhà kinh tế học tại Goldman, Jan Hatzius và Sven Jari Stehn, cho biết.

“Chỉ số sản xuất của Đức là ngoại lệ trong số các chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của châu Âu, đặc biệt là các số liệu về lĩnh vực dịch vụ của Đức và các nước châu Âu khác cho thấy sự khả quan”.

Các nhà kinh tế nói thêm rằng bất chấp áp lực đối với ngành sản xuất tại Đức, các điều kiện tài chính mở rộng và thị trường lao động bền vững cho thấy kinh tế nước này sắp đi lên.

Tại Trung Quốc, Goldman cho rằng chỉ số hoạt động hiện tại (CAI) cho thấy sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2019, đồng thời, các số liệu PMI tháng 3 củng cố niềm tin về “thời kỳ tệ nhất của tăng trưởng toàn cầu đã qua đi”.

Hatzius và Stehn đặc biệt lạc quan về triển vọng của Mỹ. Goldman ước tính GDP thực tế của Mỹ (khi được điều chỉnh theo lạm phát) trong quý I chỉ khoảng 0,7% và dự báo GDP thực tế quý II tăng lên 3%.

Các nhà phân tích cho rằng sự thay đổi này là do tình trạng đóng cửa chính phủ Mỹ và các yếu tố mùa vụ đã chấm dứt, đồng thời, có sự cải thiện trong các “nhân tố ngầm”.

Hatzius và Stehn thừa nhận rằng quan điểm này dựa trên kết quả bỏ phiếu Brexit và các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo Goldman, triển vọng Brexit là Anh vẫn là thành viên của liên minh hải quan với EU và Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể ký một thỏa thuận “trong vòng vài tháng tới”.

Về mặt chiến lược, Goldman cho biết họ đã giảm bớt quan điểm tích cực về “các tài sản nhạy cảm về kinh tế” như cổ phiếu, trái phiếu thị trường mới nổi, tiền tệ và hàng hóa. Lý do Goldman đưa ra là các lĩnh vực này vừa chịu sự sụt giảm mạnh mẽ và triển vọng về các tài sản rủi ro vẫn còn “khá tươi sáng trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu dần mạnh mẽ hơn”.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục