GS Nguyễn Mại nói về Samsung rút khỏi TQ: "Dồn trứng vào một giỏ, khi rơi sẽ vỡ hết"

06/10/2019 06:00 GMT+7
Xét về vị trí địa lý, Việt Nam là quốc gia gần hơn cả khi các doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc...

Samsung - nhà sản xuất điện thoại thông minh đứng đầu thế giới vừa xác nhận họ đã đóng cửa nhà máy cuối cùng ở Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sau khi đã đóng cửa nhà máy ở Thiên Tân hồi cuối năm 2018. Lý do Samsung đưa ra là vì không thể cạnh tranh được với các đối thủ tại Trung Quốc.

Truyền thông Hàn Quốc cho biết, Samsung có 6.000 lao động và sản xuất khoảng 63 triệu chiếc điện thoại ở nhà máy Huệ Châu vào năm 2017, trong tổng số 394 chiếc mà hãng này sản xuất ở các nhà máy trên toàn cầu trong cùng năm, tức chiếm khoảng 16%.

GS Nguyễn Mại: "Doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc chưa hẳn là cơ hội "vàng" cho Việt Nam" - Ảnh 1.

Samsung đã rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc.

Theo một nghiên cứu, thị phần của Samsung tại thị trường Trung Quốc đã giảm xuống 1% trong quý đầu tiên từ mức 15% vào giữa năm 2013. Doanh số của Samsung thua xa các hãng địa phương như Huawei và Xiaomi.

Tương tự, Sony cũng cho biết, họ sẽ đóng cửa nhà máy điện thoại thông minh Bắc Kinh và sẽ chỉ sản xuất điện thoại thông minh ở Thái Lan. Còn Apple vẫn sản xuất các sản phẩm lớn tại Trung Quốc nhưng họ cũng đang dự phòng kế hoạch cho những địa chỉ sản xuất mời ngoài Trung Quốc.

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với PV Etime, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cho rằng, việc các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc có rất nhiều nguyên nhân.

Theo vị giáo sư này, những năm trước đây, có thể nói đầu tư vào Trung Quốc là thị trường số 1, không một quốc gia nào cạnh tranh được với họ. Họ có lợi thế về dân số đông, đất đai rộng lớn, GDP cao, môi trường đầu tư thuận lợi... Tuy nhiên, từ 2016 đến nay, tình hình đã khác đi rất nhiều. Tăng trưởng ở Trung Quốc chậm lại, chính quyền chỉ đưa ra chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư trong nước, thậm chí nhiều địa phương còn tỏ ra kỳ thị với các doanh nghiệp nước ngoài; giá nhân công tăng cao; rồi các cuộc biểu tình phản đối nhà đầu tư Nhật bản, Mỹ... khiến môi trường đầu tư xấu đi rất nhiều.

GS Nguyễn Mại nói về Samsung rút khỏi TQ: "Dồn trứng vào một giỏ, khi rơi sẽ vỡ hết"  - Ảnh 2.

Đặc biệt, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, khoảng 30% doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cho biết họ đã phải tìm mua linh kiện hoặc sản xuất bên ngoài Mỹ và Trung Quốc để tránh thuế quan.

Các công ty châu Á cho biết chiến tranh thương mại đã khiến họ phải nhanh chóng rút khỏi Trung Quốc.

Hồi tháng 5 vừa qua, các mặt hàng Trung Quốc nằm trong danh sách trị giá 200 tỉ USD nhập vào Mỹ bị tăng mức thuế lên 25% thay vì 10% như trước. Ngoài ra ông Trump còn còn đưa ra danh sách 300 tỷ USD hàng Trung Quốc có thể bị đánh thuế 25%.

"Lần tăng thuế đó đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc "dắt nhau" rời khỏi Trung Quốc. Ông Trump cũng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ quay trở về nước "để thực hiện ý định "Mỹ là trên hết"", GS Nguyễn Mại nói.

Cơ hội "vàng" cho Việt Nam?

Theo GS Nguyễn Mại, bối cảnh này có thể là cơ hội để Việt Nam phất lên, quan trọng là chúng ta phải tìm ra đúng cách.

GS Nguyễn Mại cho rằng, sở dĩ Việt Nam thu hút hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài vào và tiến hành cấp các thủ tục một cách nhanh chóng do Luật Đầu tư của Việt Nam có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp. "Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam phải nói là thông thoáng nhất so với Luật đầu tư của một số nước trong khu vực châu Á", GS Mại cho biết.

Thứ hai, thủ tục đầu tư nước ngoài của Việt Nam nay đã được tinh gọn rất nhiều. Thứ ba, chính sách ưu đãi của Việt Nam khá cao. Phần lớn các dự án lớn đều chỉ chịu 10% thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 5 năm đầu tiên không phải nộp, 5 năm tiếp theo chỉ nộp 5%.

Chính sách ưu đãi này rất tốt cho đầu tư nước ngoài, trong đó Nhật Bản và Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam sớm nhất tận dụng được lợi thế này. Tiếp đà tăng trưởng, các ưu đãi đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đang ngày càng được các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ quan tâm.

Theo quy định hiện nay, mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư đang được áp dụng tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao là 10% trong thời hạn 15 năm; miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

GS Mại cũng cho hay, hiện Việt Nam có mức tăng trưởng khá, bình quân khoảng 7%/năm, trong khi đó, chi phí nhân công rẻ, kinh tế, thể chế ổn định, môi trường đầu tư cũng đã được cải thiện rất nhiều. Việt Nam đã hội nhập kinh tế, cũng đã ký Hiệp định EVFTA và IPA với EU. Đến nay, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được xóa bỏ thuế nhập khẩu...Như vậy, rõ ràng Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc mà ngay cả các nhà đầu tư Trung Quốc cũng rất thích đầu tư vào Việt Nam.

GS Nguyễn Mại nói về Samsung rút khỏi TQ: "Dồn trứng vào một giỏ, khi rơi sẽ vỡ hết"  - Ảnh 4.

"Một số nước như Indonesia, Malaysia cũng được hưởng những lợi thế như chúng ta về thuế xuất khẩu, nhưng Việt Nam lại có một lợi thế đó là chúng ta gần Trung Quốc hơn. Theo đó, khi chuyển nhà máy đến Việt Nam sẽ giảm được chi phí vận chuyển.

Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, đội ngũ lao động trẻ dồi dào, giá thuê đất rẻ cũng như các lợi thế hậu cần bởi vì Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, cũng như các cảng biển nước sâu thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa ra thế giới", GS Nguyễn Mại nói.

Theo nhận định của GS Nguyễn Mại, Việt Nam có nhiều lợi thế để các nhà đầu tư nước ngoài lưu tâm, tuy nhiên họ có đầu tư sang Việt Nam không lại là câu chuyện khác. GS Mại phân tích: "Ví dụ như với Samsung, hiện tại họ đã có tới 2 nhà máy ở Việt Nam, một ở Thái Nguyên và một ở Bắc Ninh. Theo nghiên cứu thì hiện có tới một nửa điện thoại thông minh của Samsung là được sản xuất ở Việt Nam. Theo đó, tôi cho rằng Samsung sẽ không dồn thêm vào Việt Nam nữa bởi rủi ro khá cao".

GS Nguyễn Mại phân tích, khi các công ty lớn đã có thị phần lớn ở một quốc gia sẽ không muốn dồn sản xuất thêm. Bởi nếu không may xảy ra các vấn đề như thuế, lũ lụt thiên tai, chính sách thay đổi thì thiệt hại rất nặng nề. "Dồn hết trứng vàng vào một nơi, khi rơi sẽ vỡ hết thì rất nguy hiểm", ông Mại nói.

Theo GS Nguyễn Mại, hai năm trở lại đây có khá nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam. Nhưng đầu tư nước ngoài là một cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia, còn đầu tư trong nước là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, ta muốn thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, có chất lượng hơn, đặc biệt tiếp nhận các dự án đầu tư chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam thì ta phải có môi trường tốt hơn Trung Quốc.

"Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn ta nhưng hiện đang trong tình trạng khó khăn. Vì thế, lợi dụng điểm này, chúng ta cần phải rà soát lại thể chế luật pháp và môi trường đầu tư để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thích hợp hơn, cạnh tranh tốt hơn đối với các nước xung quanh, đặc biệt với Trung Quốc. Khi đó, ta mới có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc chuyển sang", GS Mại nói.

An Vũ
Cùng chuyên mục