Hà Nội lập phân khu phải đồng bộ với hạ tầng giao thông để giảm ùn tắc

05/03/2021 14:41 GMT+7
Những năm qua, TP Hà Nội đối diện với việc quá tải hạ tầng giao thông, khói bụi, khí thải từ các phương tiện gây ra ô nhiễm môi trường, vì vậy, Hà Nội đang quy hoạch phân khu để tháo gỡ "điểm nghẽn" này.

Mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đồ án quy hoạch này được thông qua để UBND thành phố chính thức phê duyệt, ban hành trong tháng 3/2021.

Theo đó, quy hoạch xác định: Khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía nam sông Hồng đến đường vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ… Điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài.

Hà Nội lập phân khu phải đồng bộ với hạ tầng giao thông để giảm ùn tắc - Ảnh 1.

Việc ùn tắc giao thông ở Hà Nội đang là vấn đề "nóng" cần được giải quyết.

Bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người. Quy hoạch được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn về ùn tắc giao thông, khói bụi, ô nhiễm không khí từ các phương tiện... 

Có thể thấy, trong những năm qua, TP Hà Nội phát triển vượt bậc dẫn tới nhiều tuyến đường, tuyến phố của thành phố thường xuyên bị ùn tắc giao thông do mật độ phương tiện tăng cao. Hạ tầng giao thông thì chưa được nâng cấp, mở rộng theo với sự phát triển chung của Hà Nội.

Vì vậy, chất lượng không khí của Hà Nội ngày càng ở mức báo động vì ô nhiễm, do phương tiện giao thong tăng lên từng ngày và cả những nhà máy, cơ sở sản xuất trong đề án di dời vẫn liên tục "xả khói" khiến Hà Nội liên tục lọt "top" những thành phố ô nhiễm trên thế giới.

Dẫn chứng cụ thể nhất là vụ cháy kho hóa chất Đức Giang tại quận Long Biên, hay vụ cháy nổ tại Công ty CP Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông vào năm 2019 đã để nhiều rủi ro và cần phải di dời những nhà máy gây ô nhiễm này ra khỏi các khu đông dân cư.

Tại buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với Quận ủy Đống Đa, ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở QH&KT nêu thực tế địa bàn quận Đông Đá đang gia tăng dân số cơ học. Quy hoạch tại quận Đống Đa chỉ có 260.000 dân, nhưng số dân thực tế hiện nay lên tới 370.000, tức là phải giảm 100.000 dân so với quy hoạch hiện có, đây là vấn đề phải đặt ra.

Bên cạnh đó, quận có tới 20 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn và nhiều cơ quan lớn, đây là thách thức về quá tải hạ tầng. Ngoài ra, trên địa bàn quận hiện có 14 khu đất của các cơ sở sản xuất thuộc diện gây ô nhiễm cần di dời. "Cả 14 khu đất thuộc các cơ sở gây ô nhiễm sau khi di dời phải rà soát lại, giữ lại quỹ đất để dùng cho thiết chế công, việc này phải rất cứng rắn mới làm được", ông Trúc Anh nói.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc lập phân khu cũng chưa thể giải quyết được "bài toán" ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đang diễn ra tại Hà Nội. Do đó, Hà Nội cũng cần phải có các giải pháp, đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông đồng bộ.

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là một trong các nhóm giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Ngoài ra, thành phố đã phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vận tải hành khách liên tỉnh; sắp xếp luồng tuyến vận tải tại các bến xe nhằm hạn chế xe liên tỉnh vào nội đô và giảm ùn tắc trên tuyến đường Vành đai 3…

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, số điểm ùn tắc giao thông giảm dần. Nếu cuối năm 2015, toàn thành phố còn 44 điểm ùn tắc thì năm 2017 giảm còn 37 điểm và đến nay chỉ còn 30 điểm (vượt chỉ tiêu là đến cuối năm 2020 giảm còn tối thiểu 40 điểm).



Thế Anh
Cùng chuyên mục