Hà Nội sắp có tháp trung tâm tài chính 1 tỷ USD
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, đối với chỉ tiêu "Triển khai đầu tư xây dựng 1 tháp trung tâm tài chính", đến nay, tháp tài chính nằm trong khu đô thị thông minh phía Bắc sông Hồng được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 6630/QĐ-UBND; chức năng là trung tâm tài chính, thương mại, hỗn hợp; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD. Đây là mục tiêu cần triển khai trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025".
Trong đó, tháp trung tâm tài chính (có tên gọi là Phương Trạch Tower) nằm trong khu đô thị thông minh phía bắc sông Hồng đã được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư có tổng mức kinh phí dự kiến khoảng 1 tỷ USD, với chức năng là trung tâm tài chính, thương mại, hỗn hợp.
Dự án nằm ngay chân cầu Nhật Tân, phía bên phải theo hướng từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố, thuộc địa phận ba xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Kim Nỗ huyện Đông Anh. Nơi này cách trung tâm thành phố hơn 10 km, cách sân bay Nội Bài khoảng 16 km và cũng thuận lợi khi di chuyển đến các tỉnh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Tháp trung tâm tài chính Phương Trạch là điểm nhấn của dự án thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, diện tích quy hoạch lên đến 272 ha, tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD. Sau khi hoàn thành, công trình cao 108 tầng dự kiến sẽ là tòa tháp cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Trước đó, tháng 6/2018, liên doanh Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong hội nghị đầu tư tại Hà Nội. Đến tháng 10/2019, dự án đã được động thổ.
Tháp tài chính Phương Trạch bao gồm: căn hộ thương mại, căn hộ khách sạn, căn hộ dịch vụ chất lượng cao, sòng bạc quốc tế. Phía trên tầng cao nhất của tòa tháp còn có tầm nhìn toàn cảnh phóng ra toàn bộ khu vực. Theo kế hoạch, ở tầng trệt của tòa tháp sẽ có 1 khu rừng nhiệt đới được xây dựng khép kín và được chăm sóc bởi hệ thống máy tính cùng thiết bị thông minh. Nơi đây sẽ bao gồm rất nhiều thảm thực vật, các loại cây tán lớn, lối đi bộ và thác nước. Tổ hợp công trình tháp tài chính sẽ trở thành điểm nhấn nổi bật cho khu vực phía bắc sông Hồng. Nó sẽ được bao quanh bởi những không gian kiến trúc cảnh quan tự nhiên kết hợp với các công trình cao tầng dọc theo tuyến đường Nhật Tân – Sân bay Nội Bài, tạo ra một bộ mặt đô thị hoàn chỉnh cho thành phố.
Bên cạnh đó, về chỉ tiêu "Triển khai đầu tư xây dựng 2 - 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh", đã cơ bản hoàn thành Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm; phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết và đang điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thành phố thông minh; đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ Dự án Khu đô thị Đông Anh.
Cũng nằm trong chương trình về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025", Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2023, Ban Chỉ đạo Chương trình đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chủ trì thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình; rà soát chỉ tiêu đầu tư xây dựng chợ và phát triển khu Outlet quy mô lớn; phân công cụ thể cho các đơn vị có liên quan đến nguồn vốn để thực hiện đấu thầu lại và thi công các hạng mục còn lại của gói thầu số 3 Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và các nội dung khác có liên quan đến dự án.
Ngoài ra thành phố Hà Nội đã hoàn thành 3 trung tâm thương mại: Vin Ocean Park tại huyện Gia Lâm, Vinsmart City tại quận Nam Từ Liêm, Lotte Mall tại Tây Hồ. Hoàn thành chỉ tiêu với 4 không gian, tuyến phố đi bộ: Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 - Bitexco; không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang; khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã.
"Hiện nay, Ban Chỉ đạo đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khu phố kinh doanh dịch vụ, đi hộ hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; tiếp tục triển khai Đề án mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Cùng với đó, nỗ lực hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng", ông Phong cho biết.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo đang nỗ lực hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại";…