Hà Tĩnh muốn làm sân bay quốc tế: Tâm lý ăn may

17/09/2020 07:17 GMT+7
Đang có một kiểu tâm lý làm quy hoạch ăn may, muốn là xin còn được hay không thì tùy...

Bộ Giao thông Vận tải mới đây cho biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa đề xuất quy hoạch cảng hàng không Hà Tĩnh diện tích từ 300 ha đến 450 ha tại các xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà), xã Cẩm Dương, Cẩm Hòa, (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Quy mô sân bay quốc tế cấp 4C có 2 đường băng dài hơn 1.800 m.

Sân bay dự kiến khai thác các đường bay đến Hà Nội, TP HCM, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phú Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Năng lực khai thác đến năm 2030 đạt 500.000 hành khách mỗi năm, đến năm 2050 đạt 2 triệu hành khách.

Hà Tĩnh muốn làm sân bay quốc tế: Tâm lý ăn may - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Băn khoăn trước đề xuất trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng quy mô quy hoạch cho sân bay quốc tế với diện tích 300-450 ha như đề xuất là quá hạn chế, nếu có xây dựng cũng rất khó phát triển.

Tuy nhiên, điều ông muốn nhấn mạnh là trào lưu chạy đua làm sân bay dường như đang trở thành thực tế. Nếu trước đó là Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị... xin làm sân bay thì nay đến lượt Hà Tĩnh.

"Đang có một tâm lý nơi này xin, nơi khác cũng muốn xin, nơi này có, nơi khác cũng muốn có, kiểu tâm lý làm quy hoạch ăn may, muốn là xin còn được hay không thì tùy vậy", vị chuyên gia lo lắng.

Vẫn theo vị chuyên gia, đề xuất của Hà Tĩnh cũng giống như nhiều tỉnh thành khác khi đưa ra, các ý kiến phân tích, phản đối cũng nhiều, không cần phải nói thêm nữa. Sự bất cập, không hiệu quả, không khả thi của các dự án sân bay đều đã được phân tích, chỉ ra rất rõ. Đề xuất nào cũng phải dựa trên tầm nhìn chung, phải phù hợp với quy hoạch và điều kiện phát triển thực tế, phải kiên quyết loại bỏ, không nhân nhượng với những dự án không khả thi, không phù hợp với điều kiện phát triển thực tế.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh, làm sân bay khác với làm các dự án giáo dục, y tế. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, dự án có thể không mang lại hiệu quả kinh tế, tài chính nhưng nó mang lại lợi ích cho xã hội, mang lại điều kiện học hành, khám chữa bệnh cho người dân. Quy mô dự án có thể thực hiện trên diện tích hẹp, phục vụ cho một tỉ lệ dân số thấp, tuy nhiên, dự án hàng không sẽ khác.

Muốn làm sân bay phải cần có không gian, diện tích đất đai lớn, mật độ dân số tập trung đông, tỉ lệ người dân có thu nhập cao, có khả năng tài chính vững mới đi được bằng máy bay.

Không nên viện cớ phát triển du lịch để phát triển sân bay, mà cần phải căn cứ dựa trên các cơ sở đánh giá từ số liệu nghiên cứu cụ thể, khoa học, cụ thể như: nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân như thế nào? Tiềm năng phát triển du lịch ra sao? Dự báo hành khách đi đến hàng năm như thế nào...? Không thể đầu tư dựa trên những phán đoán duy ý chí, thiếu căn cứ, với những số liệu điều tra phi thực tế, như vậy vừa không hiệu quả, vừa lãng phí mà còn gây ra những hệ lụy rất xấu cho phát triển kinh tế địa phương.

Nhắc lại đề xuất làm sân bay hơn 8.014 tỷ của Quảng Trị, vị chuyên gia nói thẳng dự án không khả thi, không hiệu quả cả về kinh tế, tài chính.

Hà Tĩnh có hai sân bay gần hai bên là Vinh và Đồng Hới tương tự như Quảng Trị có hai sân bay gần hai bên là Phú Bài và Đồng Hới.  Đáng nói, hai sân bay hai bên đều chưa khai thác hết năng lực và đang bị lỗ.  Nếu xây thêm sân bay thứ ba ở giữa thì càng lỗ và hết sức lãng phí.

Khu vực miền Trung hiện đang có 8 sân bay gồm 4 quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai) và 4 quốc nội (Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa).

Hà Tĩnh cũng đang nằm giữa hai sân bay lớn là sân bay Vinh (Nghệ An) và Đồng Hới. Từ sân bay Vinh đến khu vực Hà Tĩnh dự kiến xây sân bay chỉ khoảng 70 km; còn từ sân bay Đồng Hới đến khu vực này hơn 150 km.

Hơn nữa, hai sân bay Vinh, Đồng Hới hiện còn chưa khai thác hết tiềm năng, công suất đúng nhu cầu, nói cách khác là hai sân bay này còn đang phải bù lỗ.

"Vậy thì tại sao lại phải đầu tư thêm một sân bay thứ ba, nằm kẹp giữa hai sân bay chưa khai thác hết, đang lỗ để lại phải bù lỗ thêm?", vị chuyên gia thẳng thắn.

Đề cập tới một vấn đề khác, vị chuyên gia nhắc tới chủ trương giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay và đưa ra cảnh báo về một hiện tượng chạy đua giải ngân theo hình thức chạy đua xin những dự án thiếu khả thi tại một số địa phương. Đề xuất dự án làm sân bay chính là một yếu tố phải lưu ý.

Ông cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực ngân sách nên được đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực y tế, giáo dục. Giao thông vận tải, đặc biệt là các dự án hàng không không cần phải đầu tư phát triển thêm dự án mới, hiện đã có quá nhiều dự án sân bay, trong khi công suất còn chưa khai thác hết.

Thay vào đó, nên tập trung phát triển các dự án đường bộ, đường sắt nhằm tăng cường kết nối giữa các loại hình giao thông vận tải, thúc đẩy phát triển logistics, phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương.

"Các địa phương cũng nên cẩn trọng suy nghĩ trước khi đưa ra những đề xuất mà thực tế không có nhu cầu, không hiệu quả, không khả thi", vị chuyên gia nhắc nhở.

Liên quan tới đề xuất trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra dự báo, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường không trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Theo dự báo này, Hà Tĩnh cho rằng,  việc quy hoạch và đầu tư cảng hàng không tại Hà Tĩnh là hết sức cần thiết.

Hà Tĩnh cho biết thêm, hiện đã có một số nhà đầu tư quan tâm xây dựng sân bay Hà Tĩnh, nhưng do chưa có quy hoạch cảng hàng không nên chưa thể thực hiện.

Vì lý do này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, bổ sung cảng hàng không Hà Tĩnh vào quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc.

Theo Lam Lam/Báo Đất Việt
Cùng chuyên mục