Habeco chốt ngày chi hơn 266 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền 11,5%
Với 231,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Habeco cần chi 266,6 tỷ đồng để hoàn tất thanh toán cho cổ đông. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng là 10/6/2025. Ngày thanh toán là 10/7/2025.
Dữ liệu cho thấy, Habeco duy trì chính sách chia cổ tức bằng tiền từ năm 2014 đến nay. Mức cao nhất là 75,57% vào năm 2017, các năm còn lại dao động từ 10-24%. Gần nhất, cổ tức năm 2022 là 15% bằng tiền.

Dữ liệu báo cáo tài chính soát xét quý I/2025 cho biết, Bộ Công Thương - cơ quan đại diện phần vốn Nhà nước, đang nắm giữ 81,79% cổ phần. Cổ đông lớn còn lại là Carlsberg Breweries với tỷ lệ 17,34%.
Như vậy, ước tính Bộ Công Thương sẽ nhận hơn 218 tỷ đồng và cổ đông Carlsberg Breweries sẽ nhận 46,22 tỷ đồng cổ tức từ Habeco.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Habeco thông qua kế hoạch chia cổ tức 2024 với tỷ lệ 13,2% (dự chi khoảng 306 tỷ đồng), nhưng sẽ lấy ý kiến cổ đông sau khi có ý kiến chính thức từ các cơ quan Nhà nước. Kế hoạch cổ tức 2025 dự kiến giảm còn 8,5%.
Trong quý I/2025, Habeco ghi nhận doanh thu thuần quý I đạt 1.458 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2024 nhưng giảm 36% so với quý liền trước.
Dù doanh thu nghìn tỷ nhưng Habeco chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn 21 tỷ đồng, là quý thấp nhất trong một năm qua.
Giải trình về kết quả kinh doanh, Habeco cho biết, nguyên nhân chủ yếu do giá vốn đầu vào bào mòn biên lợi nhuận gộp, cũng như việc đẩy mạnh chi tiêu cho hoạt động quảng cáo khiến chi phí bán hàng của công ty gia tăng.
Năm nay, chủ thương hiệu bia Hà Nội lên kế hoạch doanh thu đi ngang ở mức 7.471 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 40% so với thực hiện của năm trước xuống 278 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I, công ty mới hoàn thành gần 20% chỉ tiêu doanh thu và hơn 10% mục tiêu lợi nhuận.
So với đầu năm, tổng tài sản của Habeco tại ngày 31/3 giảm gần 8% xuống 6.716 tỷ đồng. Chiếm 58% quy mô tài sản là các khoản tiền mặt và tiền gửi.
Tổng nợ phải trả giảm 12% xuống 1.756 tỷ đồng. Habeco có tỷ trọng đòn bẩy tài chính tương đối lành mạnh khi chỉ vay và nợ thuê tài chính hơn 51 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho biết, các quy định về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông, cũng như tăng mức xử phạt vi phạm giao thông được dự đoán là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia trong năm nay.
Chưa kể, các yếu tố như chi phí sản xuất kinh doanh (bao bì, nguyên vật liệu, vận chuyển) vẫn ở mức cao, biến động bất thường.
Thêm vào đó, ngành bia có thể chịu thêm gánh nặng nếu Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được thông qua với mức điều chỉnh thuế suất mới lên tối đa 100%. Hiện, đồ uống có cồn tại Việt Nam chịu 3 loại thuế là thuế nhập khẩu (5-80% tùy loại FTA), VAT (10%) và tiêu thụ đặc biệt (tăng từ 50% lên 65% vào năm 2018 và duy trì đến nay).