HAG của bầu Đức bị nghi ngờ khả năng thu hồi 2.593 tỷ đồng từ Cty An Phú
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai. (Ảnh: Internet)
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mới đây đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2018. Dưới sự điều hành của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), HAGL đã ghi nhận con số doanh thu 5.388 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 11% so với 2017.
Cùng với đó, doanh nghiệp đạt mức lợi nhuận sau thuế 117,5 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với kết quả trên báo cáo tự lập trước đó nhờ điều chỉnh giảm một số khoản như chi phí quản lý doanh nghiệp, giảm lỗ từ hoạt động khác và tăng doanh thu hoạt động tài chính. Tuy nhiên, khả năng hoạt động liên tục của HAGL tiếp tục bị kiểm toán viên nghi ngờ.
Gánh nặng nợ nần trên vai bầu Đức
Trong năm 2018, khoản chi phí tài chính lên tới hơn 1.721 tỷ đồng tiếp tục là gánh nặng của HAGL, bởi theo tính toán, chỉ riêng chi phí này đã chiếm tỷ lệ tương tương khoảng 30% doanh thu trong năm của doanh nghiệp. Trong đó, chi phí lãi vay HAGL phải gánh lên tới 1.533 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản lỗ khác của doanh nghiệp lên tới hơn 893 tỷ đồng.
Thêm vào đó, khoản chi phí quản lý doanh nghiệp của HAGL dù đã được điều chỉnh giảm nhưng vẫn ở mức khá cao là 989,3 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn HAGL còn 6,2 tỷ đồn, giảm mạnh so với mức 371,6 tỷ đồng doanh nghiệp đạt được năm 2017. Còn BCTC hợp nhất năm 2018 đã kiểm toán của HAGL ghi nhận lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 117,5 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với kết quả trên báo cáo tự lập trước đó.
Khoản lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính sau kiểm toán của HAGL là hơn 36,4 tỉ đồng, giảm 75% so với con số trước kiểm toán.
Tuy vậy, công ty kiểm toán cũng cho rằng việc HAGL đang lỗ lũy kế như trên là một vấn đề cần nhấn mạnh. Đồng thời, kiểm toán cũng lưu ý việc nợ ngắn hạn của HAGL thời điểm 31/12/2018 vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 6.569 tỉ đồng. Ngoài ra, cũng vào ngày này, HAGL đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAGL.
Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, HAGL ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới hơn 2.917 tỷ đồng, dòng tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư cũng âm hơn 353 tỷ đồng. Song lưu chuyển tiền trong năm 2018 của Công ty vẫn dương nhờ thu hơn 7.594 tỷ đồng từ đi vay.
Tới cuối năm 2018, tổng các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của Công ty ở mức 21.753 tỷ đồng. Trong đó, nợ dài hạn chiếm gần 70%. Cụ thể hơn, Công ty vay nợ thông qua trái phiếu gần 11.000 tỷ đồng, vay dài hạn từ các ngân hàng thương mại hơn 6.142 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty còn ghi nhận khoản vay ngắn hạn của CTCP Ô tô Trường Hải hơn 746 tỷ đồng. Vay ngắn hạn và dài hạn của ông Đoàn Nguyên Đức hơn 742 tỷ đồng.
Ý kiến ngoại trừ với gần 7.600 tỷ phải thu từ Công ty An Phú
Thêm một lần nữa, kiểm toán viên của Công ty Ernst & Young lại đưa ý kiến ngoại trừ với khoản phải thu trị giá gần 7.600 tỷ đồng từ "nhóm An Phú".
Theo Ernst & Young, HAGL đã ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn khác từ các bên liên quan của CTCP Đầu tư Bất động sản An Phú (nhóm An Phú) với tổng trị giá là gần 7.595 tỷ đồng tại ngày 31.12.2018, giảm 2.975 tỷ đồng so với cuối năm 2017.
Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán đã không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để xác định khả năng thu hồi của tổng số dư vào ngày 31.12.2018 là 2.593 tỷ đồng bao gồm trong số dư 7.595 tỷ đồng nêu trên. Theo đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản mục nói trên hay không và các ảnh hưởng nếu có đến báo cáo tài chính hợp nhất của HAGL cho năm tài chính kết thúc ngày 31.12.2018.