Hải Phòng: Gần 3.800 tỷ đồng dư nợ lĩnh vực thủy sản, kinh doanh vận tải đường thủy bị ảnh hưởng bởi bão Yagi
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Phòng đã có báo cáo nhanh về tình hình hoạt động của các Chi nhánh TCTD, QTDND trên địa bàn thành phố Hải Phòng sau cơn bão số 3.
Đơn vị này cho biết, tính tới thời điểm xảy ra bão số 3, địa bàn thành phố Hải Phòng có 64 Chi nhánh tổ chức tín dụng, 01 Trung tâm quản lý tiền mặt, 20 Ngân hàng Nông nghiệp loại 2, 245 Phòng giao dịch và 26 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động.
Về hoạt động huy động vốn, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn theo số liệu báo cáo nhanh đến thời điểm 31/8/2024 đạt 343.692 tỷ đồng, tăng 4,2% so với 31/12/2023.
Trong đó, nợ xấu đến thời điểm 31/7/2024 là 3.156 tỷ đồng, bằng 1,35% tổng dư nợ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Phòng cho biết, thời điểm 10/9/2024, qua số liệu báo cáo nhanh các Chi nhánh TCTD, QTDND trên địa bàn đảm bảo an toàn về người và an toàn kho quỹ, hầu hết các Chi nhánh TCTD, Phòng giao dịch và các QTDND trên địa bàn đã hoạt động bình thường từ ngày 09/9/2024, một số điểm giao dịch chưa hoạt động ngay được do chưa khắc phục được cơ sở vật chất tại trụ sở hoặc sự cố về đường truyền mạng và mất điện.
Theo báo cáo nhanh về tình hình các khách hàng bị ảnh hưởng sau bão số 3: Có tổng số 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão, tập trung vào các ngành nghề:
+ Lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản: 1.965 tỷ đồng, bằng 12,5% dư nợ bị ảnh hưởng sau bão;
+ Lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thương mại: 10.805 tỷ đồng, bằng 68,9% dư nợ bị ảnh hưởng sau bão (chủ yếu Nhà xưởng sản xuất, hàng hóa, máy móc bị hư hại ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và kinh doanh của khách hàng sau bão).
+ Lĩnh vực cầu cảng, tàu bè đánh bắt thủy hải sản, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sông, đường biển: 1.816 tỷ đồng, bằng 11,6% dư nợ bị ảnh hưởng sau bão
+ Lĩnh vực kinh doanh khách sạn, homestay: 1.100 tỷ đồng, bằng 7% dư nợ bị ảnh hưởng sau bão.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Phòng yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, huy động cán bộ, nhân viên, thanh niên tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão; tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ cán bộ, nhân viên, các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là hộ nghèo, hộ chính sách để động viên người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão này.