Hai tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tăng 150%
Theo báo cáo của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng sản lượng thịt các loại nhập khẩu từ các nước trong năm 2019 là 280.474 tấn (tăng khoảng 17% so với năm 2018 là 239.000 tấn). Năm 2020, tính đến ngày 29/2, tổng số lượng thịt nhập khẩu là 65.865 tấn.
Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt lợn đạt hơn 13.816 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu từ Canada: 33,06%, Đức: 25,4%, Brazil: 16,10%, Ba Lan: 15,81% và Mỹ: 7,78%.
Với thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu bò: Nhập khẩu hơn 12.459 tấn thịt bò và 12.934 tấn thịt trâu. Trong đó, thịt trâu nhập khẩu 100% từ Ấn Độ, thịt bò nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ, Australia, Canada. Với thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm: Nhập khẩu hơn 26.656 tấn; trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, Brazil.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, Cục Thú ý có 8 phòng nghiệm đủ năng lực xét nghiệm các loại mầm bệnh ở động vật, kể cả các mầm bệnh có khả năng lây sang người như cúm gia cầm, dại...Từ năm 2013 - 2019, Cục Thú y phối hợp với Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WCS), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam lấy 2.082 mẫu phân, nước bọt, phủ tạng trên động vật hoang dã như dơi, chuột, cầy hương…để xét nghiệm sự lưu hành virus corona và một số mầm bệnh khác. Kết quả, chưa phát hiện chủng virus Covid-19.
Trên cơ sở tham khảo các quy trình xét nghiệm phát hiện virus Covid-19, cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia phòng thí nghiệm của FAO, Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương được Cục Thú y giao và đã xây dựng xong dự thảo quy trình xét nghiệm phát hiện Covid-19 ở động vật. Cục Thú y đã gửi lấy ý kiến của tất cả các phòng thí nghiệm để hoàn thiện, ban hành và áp dụng trong thời gian tới; đồng thời đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ mẫu đối chứng dương để thử nghiệm, đánh giá quy trình xét nghiệm mẫu ở động vật.