Hàng xuất khẩu thành hàng Tết
Thị trường trong nước ngày càng quan trọng với nhiều doanh nghiệp (DN) trước giờ chỉ chuyên làm hàng xuất khẩu khi dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng; cước vận tải, phí thuê container… tăng cao nên hàng sản xuất ở đâu tiêu thụ ở đó ngày càng nhiều.
Thay thế hàng nhập khẩu
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group (chuyên xuất khẩu nông sản), cho hay Tết này DN ông sẽ tham gia một số hội chợ Tết và cung cấp sản phẩm giỏ trái cây Tết với tiêu chuẩn như hàng xuất khẩu.
"Do lo ngại dịch bệnh nên người dân sẽ hạn chế đi du lịch, chủ yếu ăn Tết tại chỗ nên dự báo Tết này, TP HCM sẽ đông vui hơn mọi năm. Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19 tốt nên có thể sức mua trái cây sẽ tương đương như Tết năm ngoái. Trái cây nhập khẩu cũng hạn chế do vướng vấn đề vận chuyển nên trái cây cao cấp trong nước sẽ thay thế một phần.
Năm nay, lần đầu tiên Vina T&T tham gia thị trường trái cây độc lạ như: bưởi tài lộc, dừa xiêm phúc - lộc - thọ, thanh long vàng, bưởi đỏ miền Bắc để đa dạng hóa sản phẩm. Chúng tôi cũng đa dạng thêm nhiều kênh bán hàng gồm trực tiếp, online để cung cấp trái cây "chuẩn xuất khẩu" cho thị trường trong nước" - ông Tùng tiết lộ.
Cá tra là một trong những mặt hàng chuyên xuất khẩu nay đang được đẩy mạnh tiêu thụ trong mùa Tết
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Nafoods Group, hiện nay là cơ hội tốt để những DN trước giờ chỉ tập trung xuất khẩu phát triển thị trường nội địa. "Với gần 100 triệu dân, nhiều nhãn hàng thực phẩm nước ngoài đang đổ bộ, DN không thể bỏ qua, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng đang ưu tiên chọn sản phẩm trong nước, minh bạch nguồn gốc để bảo vệ sức khỏe.
Là DN chuyên về hàng giá trị gia tăng từ rau quả, chúng tôi đã cung cấp nguyên liệu cho nhiều thương hiệu lớn như: Coca-Cola, Starbucks… nên bảo đảm về vùng nguyên liệu cũng như nhà máy đạt chuẩn xuất khẩu. Từ một DN 100% xuất khẩu, năm nay chúng tôi tham gia thị trường nội địa bắt đầu từ mùa Tết với nhiều sản phẩm chế biến tiêu biểu nhất theo hướng tự nhiên, tốt cho sức khỏe như: hạt đặc sản, trái cây sấy, trái cây tươi…
Hiện Nafoods đã có cửa hàng đầu tiên tại TP HCM và trang thương mại điện tử riêng. Sắp tới, ngoài sản phẩm của Nafoods, còn có hàng của các hội viên Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA - ông Hùng là Phó Chủ tịch). Điều quan trọng nhất là khâu chọn lọc, thẩm định để giữ được uy tín thì mới trụ lại trên thị trường" - ông Hùng chia sẻ.
Thị trường không thể bỏ qua
Hạt điều, cà phê là một trong những mặt hàng được tiêu thụ mạnh mùa Tết nên các DN xuất khẩu không bỏ qua cơ hội này để đẩy mạnh doanh số. Hội chợ "Ngày cà phê Việt Nam" tổ chức mới đây tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM quy tụ rất nhiều thương hiệu cà phê xuất khẩu như: Phúc Sinh, Mê Trang, Intimex… trưng bày nhiều sản phẩm cho thị trường trong nước với bao bì bắt mắt để khách hàng có thể làm quà tặng.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, cho hay việc các DN xuất khẩu tham gia thị trường trong nước là xu hướng. "Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp khiến DN xuất khẩu phải đa dạng hóa thị trường, phải đi bằng 2 chân, vừa xuất khẩu vừa bán nội địa để tăng doanh thu. Lý do quan trọng là thu nhập người dân Việt Nam ngày càng tăng nên nhiều mặt hàng trước đây chỉ xuất khẩu vì giá cao thì nay trong nước vẫn bán được. Ưu điểm của DN xuất khẩu là sản xuất với quy mô lớn nên giá thành thấp, hàng đưa ra thị trường có giá bán phải chăng, phù hợp với người tiêu dùng. Mùa Tết này, Intimex có gạo đặc sản ST24, hạt điều và cà phê chế biến có lượng tiêu thụ khá tốt" - ông Nam bày tỏ.
Đối với hạt điều, ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cũng xác nhận mùa Tết thị trường nội địa sôi động với những dòng sản phẩm chế biến sâu như: điều rang muối, tẩm mật ong, tẩm wasabi… "Hiện chưa có thống kê chính thức nhưng nhiều DN xuất khẩu điều đã tham gia thị trường nội địa với các dòng sản phẩm cao cấp.
Với thị hiếu người Việt, nguyên liệu được dùng là điều Việt Nam hoặc Campuchia nên giá thành thường cao hơn hàng xuất khẩu. Cách đây nhiều năm, Vinacas đã có một số chương trình kích cầu nội địa, tiêu biểu là đặt hàng nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng của hạt điều nên ngày càng được người tiêu dùng sử dụng. Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng hạt ngày càng nhiều cũng khiến tiêu thụ điều tốt hơn" - ông Hậu nói.
Cá tra ngập chợ đầu mối
Cá tra vốn là mặt hàng chuyên xuất khẩu với tỉ lệ bán ra nước ngoài tới hơn 90% nhưng nay tiêu thụ trong nước tăng đáng kể. Có mặt tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP HCM) đầu tháng chạp, phóng viên không khỏi ngợp trước cảnh từng xe tải nối đuôi nhau đưa hàng vào các vựa cá (thường gọi là cá basa - PV). Một lãnh đạo công ty quản lý chợ cho hay năm nay lượng cá basa về chợ nhiều và tiêu thụ rất tốt. Kênh bán hàng chính là nhà hàng, khách sạn, các trường học và nhiều chợ lẻ. Nhờ ưu điểm giá rẻ, dinh dưỡng, không xương dăm nên cá tra rất dễ chế biến các món ăn. Lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận thị trường trong nước là kênh tiêu thụ lớn của cá tra với số lượng ước chừng 200 tấn/đêm về TP HCM.