Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội sắp diễn ra: Nhiều vướng mắc sẽ được giải quyết?
Thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” năm 2024, tại trụ sở Bộ Xây dựng, vào sáng ngày 22/02, theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, kết nối với các điểm cầu tại UBND tỉnh, thành phố.
Hội nghị dự kiến sẽ có sự tham gia của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố; lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh, thành phố; các Ngân hàng thương mại; doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố do UBND tỉnh mời…
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo đôn đốc các cơ quan Bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tổ chức Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội trong tháng 2/2024. Đồng thời, giao Bộ Xây dựng tập trung nguồn lực hoàn hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu đối với các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); sớm hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ được khai thác theo cơ chế đặc thù để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt giá thanh toán cho nhà thầu.
Còn tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động, tích cực triển khai mạnh mẽ, toàn diện hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản theo Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Cùng với đó, giao Bộ Xây dựng chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội năm 2024 đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây về triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trên địa bàn cả nước hiện quy hoạch được 1.249 khu đất có quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5,031 ha so với năm 2020 (3.359ha).
Ngoài ra, về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, qua thống kê thì 27 địa phương đã công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay, với nhu cầu vay hơn 27.966 tỷ đồng, và đến thời điểm này, có 5 dự án tại 5 địa phương được giải ngân, số vốn ước khoảng 416 tỷ đồng… Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn những hạn chế làm ảnh hưởng đến việc phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể, về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án, như: thiếu quỹ đất; nguồn vốn tín dụng từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng còn chưa đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài.
Nhiều chuyên gia bất động sản đánh giá một số địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Ngoài ra, chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập...