Hơn 13.737 tỷ sẽ được Bộ GTVT sử dụng bảo trì tuyến đường nào?
Năm 2021, kế hoạch bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ theo nhu cầu cần 25.705,7 tỷ đồng, nhưng do nguồn lực hạn chế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đưa ra danh mục đề nghị ưu tiên 1 để sửa chữa năm tới có tổng mức kinh phí là 7.547,66 tỷ đồng, tương đương như dự toán chi cho các dự án sửa chữa 2021.
Trong đó, Tổng cục Đường bộ xử lý 242 điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; sửa chữa 135 cầu yếu, cầu có hư hỏng, xuống cấp; gia cố 246km Quốc lộ từ 3,5m lên 5,5m để các phương tiện giao thông có thể tránh, vượt nhau.
Cùng với đó, sẽ thảm bê tông nhựa 401km đường đang là láng nhựa (trong đó có nhiều tuyến tại đồng bằng sông Cửu Long), áp dụng công nghệ tái sinh nguội và công nghệ khác tại các dự án với tổng giá trị khoảng 1.115,3 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kế hoạch bảo trì 2021 đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt cho các công việc, danh mục có tổng kinh phí cần thiết thực hiện là 11.760,98 tỷ đồng.
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ đang tiếp tục trình điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì với kinh phí 1.976,45 tỷ đồng để sửa chữa Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, một số công việc đột xuất khác đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương. Với kế hoạch đã giao và kế hoạch dự kiến nêu trên, kế hoạch bảo trì dự kiến là 13.737,43 tỷ đồng.
Về dự toán ngân sách Trung ương giao năm 2021 để chi cho công tác quản lý bảo trì là 9.986 tỷ đồng (cơ cấu gồm 1.281,7 tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác phà, cầu phao và vận hành công trình khác; 7.760,8 tỷ đồng sửa chữa định kỳ (gồm cả chi trả các dự án chuyển tiếp từ 2020); 866,3 tỷ chi công tác sửa chữa đột xuất và 167,6 tỷ chi các nhiệm vụ khác).
Trong quá trình thực hiện, Tổng cục Đường bộ đã lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước 2021 để triển khai các nhiệm vụ chi phù hợp yêu cầu công việc, tiến độ và tình hình thực hiện.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các cục quản lý đường bộ; Sở GTVT các tỉnh, thành phố; nhà đầu tư BOT; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) yêu cầu thực hiện quản lý, bảo trì quốc lộ, đường cao tốc.
Theo Tổng cục Đường Bộ Việt Nam, do hệ thống quốc lộ còn nhiều tuyến, đoạn tuyến khai thác nhiều năm, hết thời hạn sử dụng theo khấu hao. Trong khi đó, lưu lượng xe và tải trọng ngày càng tăng cao nhưng nguồn vốn để xây dựng các tuyến thay thế hoặc đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng không đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp cơ quan quản lý, nhà thầu bảo trì chưa làm tròn trách nhiệm, trông chờ, ỷ lại dẫn đến một số đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đến ATGT.
Trước thực trạng nhiều tuyến đường bị xuống cấp gây mất an toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông quốc lộ, thực hiện đầy đủ việc tuần đường, tuần kiểm, phát hiện hư hỏng, xuống cấp, mất ATGT và báo cáo, đề xuất xử lý theo quy định.
Đồng thời, các đơn vị phải kịp thời phát hiện hư hỏng, xuống cấp, bất cập về giao thông để xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nếu quá thẩm quyền. Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm tải trọng xe, kiểm soát tải trọng xe trên hệ thống quốc lộ, cao tốc.
Đối với dự án BOT bị xuống cấp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu cơ quan quản lý phải kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý bảo dưỡng thường xuyên của các nhà đầu tư BOT. Trường hợp chất lượng kém, kiến nghị Tổng cục Đường bộ VN dừng thu phí theo quy định.
Việc sửa chữa đường bộ, yêu cầu khẩn trương thực hiện các dự án sửa chữa đã đủ điều kiện pháp lý. Kiên quyết không để chậm tiến độ; đã bàn giao mặt bằng nhưng không thi công hoặc thi công cầm chừng dẫn đến mất ATGT.