Tổng cục đường bộ "nắn gân" nhà thầu bảo trì chưa làm tròn trách nhiệm

06/06/2021 14:52 GMT+7
Theo Tổng cục Đường Bộ, có nhiều trường hợp cơ quan quản lý, nhà thầu bảo trì chưa làm tròn trách nhiệm, trông chờ, ỷ lại dẫn đến một số đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp mất ATGT.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các cục quản lý đường bộ; Sở GTVT các tỉnh, thành phố; nhà đầu tư BOT; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) yêu cầu thực hiện quản lý, bảo trì quốc lộ, đường cao tốc.

Theo Tổng cục Đường Bộ Việt Nam, do hệ thống quốc lộ còn nhiều tuyến, đoạn tuyến khai thác nhiều năm, hết thời hạn sử dụng theo khấu hao. Trong khi đó, lưu lượng xe và tải trọng ngày càng tăng cao nhưng nguồn vốn để xây dựng các tuyến thay thế hoặc đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng không đáp ứng yêu cầu.

Tổng cục đường bộ "nắn gân" nhà thầu bảo trì chưa làm tròn trách nhiệm - Ảnh 1.

Vẫn còn nhiều tuyến quốc lộ bị xuống cấp.

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp cơ quan quản lý, nhà thầu bảo trì chưa làm tròn trách nhiệm, trông chờ, ỷ lại dẫn đến một số đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đến ATGT.

Trước thực trạng nhiều tuyến đường bị xuống cấp gây mất an toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông quốc lộ, thực hiện đầy đủ việc tuần đường, tuần kiểm, phát hiện hư hỏng, xuống cấp, mất ATGT và báo cáo, đề xuất xử lý theo quy định.

Đồng thời, các đơn vị phải kịp thời phát hiện hư hỏng, xuống cấp, bất cập về giao thông để xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nếu quá thẩm quyền. Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm tải trọng xe, kiểm soát tải trọng xe trên hệ thống quốc lộ, cao tốc.

Đối với dự án BOT bị xuống cấp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu cơ quan quản lý phải kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý bảo dưỡng thường xuyên của các nhà đầu tư BOT. Trường hợp chất lượng kém, kiến nghị Tổng cục Đường bộ VN dừng thu phí theo quy định.

Việc sửa chữa đường bộ,  yêu cầu khẩn trương thực hiện các dự án sửa chữa đã đủ điều kiện pháp lý. Kiên quyết không để chậm tiến độ; đã bàn giao mặt bằng nhưng không thi công hoặc thi công cầm chừng dẫn đến mất ATGT.

Trước đó, Tổng cục Đường Bộ Việt Nam thống kế, tháng 3/2021 (từ 21/2-20/3), các trạm KTTTX lưu động, cố định, Thanh tra các Sở GTVT và công chức Thanh tra các cục QLĐB sử dụng cân xách tay kiểm tra hơn 7.700 xe. Trong đó, có 946 xe vi phạm, tước 287 GPLX, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 10 tỷ đồng.

Những "con số" nêu trên vẫn chưa thể ngăn chặn được tình trạng xe quá tải, xe không có giấy phép lưu thông "tung hoành" cày nát các tuyến đường. Đặc biệt, do lực lượng Thanh tra giao thông còn mỏng, phải thực hiện việc bảo đảm trật tự ATGT phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân nên tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương đã tái diễn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông...


Thế Anh
Cùng chuyên mục