Hơn 43 nghìn ca nhiễm virus corona, lo ngại virus tiến hóa nguy hiểm hơn

11/02/2020 10:25 GMT+7
Theo báo cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tính đến sáng 11/2 (giờ Trung Quốc), đã có tới 43.098 ca nhiễm virus corona và 1.018 ca tử vong được báo cáo trên toàn cầu.
Hơn 1.000 ca tử vong vì virus Corona, chuyên gia quan ngại virus tiến hóa nguy hiểm hơn - Ảnh 1.

Dịch virus corona tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Quốc với số ca tử vong trên toàn cầu vượt quá 1.000

Cách ly 21/31 tỉnh thành

Riêng tại Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm virus corona đã tăng 2.478 trường hợp so với 1 ngày trước đó lên 42.638 trường hợp. 1.552/2.478 ca nhiễm nói trên nằm ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, cũng là nơi ca nhiễm virus corona đầu tiên được báo cáo.

Số ca tử vong trên cả nước tăng 108 trường hợp lên 1.016 ca, trong đó 103 ca tử vong nằm ở tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn của dịch bệnh và chỉ có 5 ca nằm ở các tỉnh lân cận. 

Như vậy, chỉ tính tại tỉnh Hồ Bắc, đến sáng 11/2, đã có 31.728 ca nhiễm virus corona và 974 ca tử vong được báo cáo. 

Trong nỗ lực kiểm soát dịch virus corona, chính quyền Bắc Kinh suốt những ngày qua đã “cách ly” 21/31 tỉnh thành Trung Quốc với hàng loạt các biện pháp mạnh mẽ như đình chỉ phương tiện giao thông công cộng, đóng cửa tạm thời trường học, doanh nghiệp, trung tâm thương mại…, kiểm soát sự di chuyển của người dân.

Đến sáng 10/2, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài bất thường hàng chục ngày, nhiều công ty tại Trung Quốc đã rục rịch mở cửa trở lại như dự kiến trước đó, bắt đầu nối lại các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tuyên bố kéo dài thêm kỳ nghỉ để bảo vệ người lao động, công nhân viên khỏi nguy cơ nhiễm virus corona trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh vẫn tăng lên nhanh chóng. Ngay cả với các doanh nghiệp mở cửa trở lại, người lao động vẫn phải đảm bảo thực hiện các quy tắc kiểm dịch trong 14 ngày.

Virus corona có nguy cơ "tiến hóa"

Một số nhà khoa học trên toàn cầu như Amesh Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế tại Johns Hopkins thậm chí đang quan ngại virus corona có thể “tiến hóa” thành một chủng virus mới mang tính “đặc hữu” - tức luôn tồn tại trong cộng đồng và không biến mất, nguy hiểm tương tự như bệnh cảm cúm theo mùa - căn bệnh giết chết 650.000 người trên toàn cầu mỗi năm do các biến chứng suy hô hấp và viêm phổi. 

Ian Lipkin, giám đốc của Trung tâm Nhiễm trùng và Miễn dịch tại Trường Y tế Công cộng Đại học Columbia Mailman  tại New York cũng đồng quan điểm với nguy cơ như vậy: “Đó là một chủng virus mới. Chúng ta chưa biết nhiều về nó, đó là lý do chúng tôi không chắc liệu nó có hay không tiến hóa thành một chủng virus tồi tệ hơn thế”. Ông Ian Lipkin hiện đang trong thời gian cách ly tại nhà sau chuyến đi Quảng Châu và Bắc Kinh khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi tháng 1. 

“Chúng ta không biết nhiều về cơ chế lây nhiễm của chủng virus này. Chúng ta không có các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán chính xác tức thời. Chúng ta không thực sự biết dịch bệnh sẽ bùng phát và lên đỉnh khi nào… Tất cả những gì chúng ta có hiện tại là nỗ lực ngăn chặn bệnh dịch chứ không phải vaccine hay thuốc điều trị” - Ian Lipkin.

Ông Ian Lipkin dự định sẽ trở lại Trung Quốc trong tháng tới, sau khi kết thúc thời gian cách ly kiểm dịch bắt buộc 14 ngày. Trước đó, một số nhân viên của Trung tâm Nhiễm trùng và miễn dịch mà ông Ian quản lý sẽ được cử đến Trung Quốc trong nỗ lực hỗ trợ giới chức y tế Trung Quốc chiến đấu với dịch virus corona. “Có rất nhiều việc phải làm lúc này” - ông Ian giải thích.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây cho biết Trung Quốc đang nỗ lực đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển các loại thuốc điều trị virus corona để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại loại virus nguy hiểm này. Nếu giới khoa học nghiên cứu thành công vaccine chống virus corona, đó sẽ là “bức tường lửa” chống lại sự lây lan của dịch bệnh cũng như chấm dứt nguy cơ virus corona tiến hóa thành virus đặc hữu như ông Amesh Adalja quan ngại. 

Một số nhà khoa học cũng lạc quan rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát do hàng loạt nỗ lực kiểm dịch của chính quyền và các tổ chức y tế. Ngoài ra, virus corona cũng được cho là sẽ suy yếu trong mùa xuân và mùa hè, khi thời tiết ấm lên và nhiệt độ cao hơn.

Các quan chức y tế cho hay các triệu chứng thường gặp khi nhiễm virus corona là sốt, đau họng và khó thở. Tuy nhiên, không phải ca nhiễm virus corona nào cũng biểu hiện các triệu chứng nhận biết như vậy trong thời gian ủ bệnh lên đến 14 ngày. Virus corona có khả năng lây nhiễm từ người sang người ngay cả khi người bệnh chưa xuất hiện những triệu chứng kể trên. Theo giới chức y tế, có khoảng 20% các ca nhiễm virus corona biến chứng nặng dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục