Hơn 45.000 ca nhiễm virus corona, kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ, khó thực hiện thỏa thuận Mỹ - Trung

12/02/2020 11:40 GMT+7
Tính đến 12/2, hiện có hơn 45 ca nhiễm virus corona, kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ, điều này khiến cố vấn an ninh Nhà Trắng hôm 11/2 nhận định dịch virus corona nhiều khả năng sẽ tác động đến các cam kết mua nông sản Mỹ mà Bắc Kinh từng thông qua trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Quan chức Nhà Trắng: “dịch virus corona có khả năng ảnh hưởng đến thỏa thuận Mỹ Trung”

Quan chức Mỹ lo ngại Bắc Kinh khó thực hiện thỏa thuận Mỹ - Trung vì dịch virus corona - Ảnh 1.

Trung Quốc khó đáp ứng cam kết tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ trong bối cảnh dịch virus corona khiến kinh tế nước này lao đao

Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng nhận định: “Sự bùng phát của dịch virus corona có thể làm giảm kim ngạch nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc theo nội dung thỏa thuận thương mại giai đoạn 1”.

Thực trạng sụt giảm nhu cầu tại thị trường đại lục sẽ là rào cản lớn ngăn cản Trung Quốc bắt kịp những cam kết với Mỹ trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, trong đó có việc tăng mua nông sản cho nông dân Mỹ. Theo nội dung thỏa thuận được ký kết vào giữa tháng 1/2020, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thêm ít nhất 12,5 tỷ USD nông sản Mỹ trong năm 2020 và 19,5 tỷ USD nông sản Mỹ trong năm 2021 so với mức 24 tỷ USD hồi 2017. Tức là tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản Mỹ trong năm 2020 ít nhất 36,5 tỷ USD và năm 2021 ít nhất 43,5 tỷ USD.

Nhưng trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc trì trệ vì virus corona, các quan chức chính phủ Mỹ đã lo ngại việc thực hiện cam kết này sẽ bị ảnh hưởng. Ông Robert O’Brien cho hay: “Chúng ta sẽ chờ xem dịch bệnh diễn biến ra sao và liệu rằng nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc”. Ông này cũng thừa nhận Trung Quốc hiện đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và dịch virus corona có thể sẽ làm hỗn loạn chuỗi cung ứng này.

Ngay cả khi dịch virus corona chưa bùng phát, ông Richard Martin - CEO công ty tư vấn quản lý IMA Asia đã nhận định có tới 50% thỏa thuận sụp đổ trong năm đầu tiên và 75% thỏa thuận sụp đổ trong năm thứ hai sau đàm phán. Nguyên nhân là các nhà phân tích tỏ ra ngờ vực tính khả thi của cam kết tăng nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong 2 năm mà Bắc Kinh hứa hẹn.

Cập nhật 12/2: hơn 45.000 ca nhiễm virus corona, kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ

Tính đến sáng 12/2 (giờ Trung Quốc), Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho hay đã có 45.169 ca nhiễm virus corona và 1.115 ca tử vong được báo cáo trên toàn thế giới. Trong đó, số ca nhiễm virus corona tại Trung Quốc đại lục hiện là 44.653 còn số ca tử vong hiện là 1.113 người. Virus được báo cáo xuất hiện tại ít nhất 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Giới phân tích nhận định, dịch bệnh do virus corona đang gây ra những tác động to lớn đến ngành sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng trên thị trường Trung Quốc. Zhang Ming, một nhà nghiên cứu làm việc trong Viện Nghiên cứu Khoa học & Xã hội Trung Quốc thậm chí dự đoán tăng trưởng GDP quý I/2020 của nước này có thể đạt dưới 5%. Nhìn vào sự tạm tê liệt của nền kinh tế Trung Quốc trong hai tuần qua do bệnh dịch, dễ thấy những nhận định như vậy là hoàn toàn có căn cứ.

Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc vẫn khuyến cáo đóng cửa tạm thời các nhà máy sản xuất, công ty, doanh nghiệp, trung tâm thương mại…, hạn chế các hoạt động công cộng để phục vụ công tác kiểm dịch. Ngay cả với những nhà máy được cấp phép hoạt động trở lại như Foxconn, đối tác lớn bậc nhất của Apple, lượng công nhân quay trở lại làm việc chỉ khoảng 10% (khoảng 16.000 người). Hàng chục triệu người vẫn đang mắc kẹt tại các thành phố do hoạt động kiểm soát giao thông và “cách ly” kiểm dịch.

Tại Vũ Hán, thành phố với dân số gần 11 triệu người và hiện là tâm điểm của dịch bệnh đã bị “cách ly” kể từ 23/1 đến nay. Đây không chỉ là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc mà còn là một trong những trung tâm công nghiệp lớn, một mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp điện tử của cả nước. Vũ Hán cũng là thành phố có hệ thống cơ sở giáo dịch và khoa học lớn thứ ba tại Trung Quốc, với hai trường đại học nằm trong top 10 những trường chất lượng nhất. 

Chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phải thừa nhận việc Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung bị đặt trong trạng thái “tê liệt” đang tác động đáng kể đến sản lượng kinh tế của đất nước.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục