Hơn 90% lượng hàng này của Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhưng tiến độ giao hàng rất chậm

17/11/2021 17:57 GMT+7
Với chính sách “Zero Covid”, Trung Quốc đang kiểm soát rất chặt chẽ việc giao các mặt hàng sắn của Việt Nam qua cửa khẩu khiến tiến độ giao hàng rất chậm.

Trung Quốc kiểm soát chặt việc giao hàng qua cửa khẩu 

Trong vài tuần vừa qua, do ảnh hưởng của gió mùa và áp thấp, nhiều nhà máy chế biến sắn khu vực Tây Nguyên và phía Bắc phải dừng chạy máy hoặc chạy không đều vì thiếu nguyên liệu. Trong khi đó, với chính sách “Zero Covid”, phía Trung Quốc đang kiểm soát rất chặt chẽ việc giao mặt hàng này qua cửa khẩu khiến tiến độ giao hàng rất chậm. Các nhà máy chế biến sắn tại Trung Quốc vẫn trong tình trạng sản xuất với công suất thấp cho dù đã vào chính vụ, do đó nhu cầu mua tinh bột sắn từ Việt Nam giảm nhiều so với cùng thời điểm các năm trước. 

Giá chào bán sắn lát khô của Việt Nam tới Trung Quốc hiện đang ở mức khoảng 275 USD/tấn FOB Quy Nhơn. Tuy nhiên, do khan hiếm tàu, giá mua hàng thực tế đến cảng Trung Quốc có thời điểm ở mức 300 USD/tấn CFR. Giá tinh bột sắn được các nhà máy Việt Nam chào bán trong khoảng 480-485 USD/tấn FOB cảng TP. Hồ Chí Minh, do giá thu mua nguyên liệu đầu vào chưa giảm và chi phí đóng hàng cao.

Hơn 90% lượng hàng này của Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhưng tiến độ giao hàng rất chậm - Ảnh 1.

Với chính sách “Zero Covid”, Trung Quốc đang kiểm soát rất chặt chẽ việc giao các mặt hàng sắn của Việt Nam qua cửa khẩu khiến tiến độ giao hàng rất chậm. Ảnh: CT

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 1,44 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 673,18 triệu USD, tăng 0,7% về lượng và tăng 19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường Đài Loan, Papua New Guinea, Hàn Quốc và Philippines. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,5% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 1,38 triệu tấn, trị giá 642,17 triệu USD, tăng 3,2% về lượng và tăng 22,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn sang các thị trường phần lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là xuất khẩu tới thị trường Đài Loan, Trung Quốc và Philippines. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn lát khô đạt 722,12 nghìn tấn, trị giá 186,45 triệu USD, tăng 51,1% về lượng và tăng 69,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Sắn lát khô được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia. Trong đó, xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc chiếm 88,6% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước với 639,77 nghìn tấn, trị giá 159,17 triệu USD, tăng 61% về lượng và tăng 81,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân sắn lát khô sang các thị trường đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2020.

Hơn 90% lượng hàng này của Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhưng tiến độ giao hàng rất chậm - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Thị phần sản phẩm sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc còn tiếp tục giảm

Với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, các chuyên gia nhận định, thị phần sắn lát và tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc còn tiếp tục giảm. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang Trung Quốc sẽ còn phải đối mặt với nhiều chính sách thay đổi của phía bạn.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, với mặt hàng sắn lát, 9 tháng đầu năm nay thị phần của Việt Nam trong tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm và còn giảm. 

Trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu sắn lát (mã HS 071410) của Trung Quốc đạt 1,25 tỷ USD, tăng 91,8% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc với kim ngạch đạt 131,13 triệu USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 10,5% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, giảm so với mức 12,6% của 9 tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc lại đẩy mạnh nhập khẩu sắn lát của Thái Lan với 1,11 tỷ USD, tăng tới 110,4% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 88,9% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 81,1% của 9 tháng đầu năm 2020.

Hơn 90% lượng hàng này của Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhưng tiến độ giao hàng rất chậm - Ảnh 3.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Với mặt hàng tinh bột sắn, tình trạng cũng tương tự. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 2,51 triệu tấn tinh bột sắn (mã HS 11081400), trị giá 1,19 tỷ USD, tăng 25,2% về lượng và tăng 46,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 1,82 triệu tấn, trị giá 881,37 triệu USD, tăng 54,9% về lượng và tăng 79% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2021, với 423,13 nghìn tấn, trị giá 195,13 triệu USD, giảm 44,8% về lượng và giảm 34,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc ở mặt hàng này chỉ còn chiếm 16,9%, giảm mạnh so với mức 38,2% của cùng kỳ năm 2020; trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 72,8%, tăng mạnh so với mức 58,9% của cùng kỳ năm 2020. 

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tinh bột sắn từ cả Indonesia với 190,17 nghìn tấn, trị giá 85,91 triệu USD, tăng tới 67.818% về lượng và tăng 83.195% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần tinh bột sắn của Indonesia chiếm 7,6% trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc.

Hơn 90% lượng hàng này của Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhưng tiến độ giao hàng rất chậm - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Nguyên nhân khiến thị phần các mặt hàng sắn của Việt Nam xuất sang Trung Quốc giảm chủ yếu do tình hình dịch bệnh khiến sản xuất chế biến sắn trong nước của ta gặp khó khăn. 

Để đẩy mạnh xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, khắc phục khó khăn do dịch bệnh. Trung Quốc hay thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu (cấm biên, đóng/mở nhiều cửa khẩu, danh sách xuất khẩu, thay đổi quy định nhãn mác bao bì, hạn chế số lượng xe qua cửa khẩu, thời gian mở cửa khẩu ít…) gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong đó có ngành sắn.

Hiện nay đã bắt đầu vào vụ sản xuất sắn chính, các cơ quan chức năng của ta đang kiến nghị với phía Trung Quốc cho mở thêm các cửa khẩu và cho kéo dài thêm thời gian mở cửa với các cửa khẩu đang hoạt động để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sắn.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có văn bản tới Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc đăng ký bã sắn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Các doanh nghiệp ngành sắn cũng cần quan tâm xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký FTA với Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản,... với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các ban ngành liên quan để tận dụng các cơ hội hưởng hạn ngạch thuế quan và mở rộng thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam.

Theo Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, tinh bột sắn là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan (0%) đứng thứ hai sau lúa gạo, với số lượng là 30.000 tấn/năm (thuế suất nhập khẩu tinh bột sắn vào EU ngoài hạn ngạch là 166 EUR/tấn; sắn củ tươi, sắn đông lạnh cắt lát hoặc không, ngoài hạn ngạch tính thuế là 9,5 EUR/kg).

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục