Hong Kong - thị trường tiềm năng của gạo chất lượng cao Việt Nam
Hong Kong - một trong những thị trường quan trọng của xuất khẩu gạo Việt Nam.
Trong những năm gần đây, cùng với Thái Lan, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất vào thị trường Hong Kong (Trung Quốc), chủ yếu là các loại gạo thơm như Jasmine, Nàng Hoa, KDM… với giá cao hơn nhiều so với các thị trường khác. Có thể nói, cơ hội cho gạo Việt ở thị trường này là rất lớn. "Điều này thể hiện tính cạnh tranh mạnh mẽ và sự phổ biến của các giống gạo Việt Nam tại thị trường Hong Kong"- ông Kenneth Chan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong (Trung Quốc) nói.
Sau cuộc khủng hoảng gạo thế giới vào năm 2008, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào Hong Kong đã tăng đột biến, từ 0,5% năm 2008 lên tới 42% vào năm 2013. Thống kê 9 tháng năm 2019 cho thấy gạo Việt Nam vẫn chiếm 30% trong tổng lượng gạo nhập nhẩu của thị trường này, tương đương 90.000 tấn. Và dự kiến năm 2020, khối lượng gạo mà Hong Kong có nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam sẽ dao động từ 90.000 - 120.000 tấn.
Cần Thơ, thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL đã mang về 1,8 triệu USD trong năm 2018 nhờ xuất khẩu gạo sang Hong Kong (Trung Quốc) và 9 tháng của năm 2019 là hơn 6,6 triệu USD với các sản phẩm gạo trắng, gạo đồ, gạo thơm, Japonica, gạo nếp... Những con số này cho thấy giá trị hạt gạo sẽ được nâng lên nếu chúng ta biết cách làm vừa lòng khách hàng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp của Cần Thơ cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, có nhiều sản phẩm gạo ngon, có thể đáp ứng yêu cầu của các thị trường như Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, châu Âu.
Lợi thế cạnh tranh và những việc phải làm
Người Hong Kong ưa chuộng gạo thơm và những giống gạo cao cấp. Mặc dù có những giống gạo có chất lượng cao nhưng trên mặt bằng chung thì chất lượng gạo Việt vẫn thua Thái Lan. Nhưng một lợi thế cạnh tranh rất lớn của chúng ta là ở giá gạo. Giá gạo của chúng ta đang ngày càng hấp dẫn so với gạo Thái.
Ngoài ra, chất lượng hạt gạo và uy tín trong kinh doanh vẫn là điều mà các doanh nghiệp Hong Kong quan tâm nhất. Không chỉ vậy, các nhà nhập khẩu gạo cũng bày tỏ sự lo ngại khi Việt Nam có quá nhiều giống chất lượng, lúa thơm được đưa ra chào hàng, trong khi tính ổn định lại chưa cao.
Để giải quyết vấn đề này, theo lãnh đạo VFA, bên cạnh việc chú trọng chất lượng, ngành gạo Việt Nam cũng đang chú trọng xây dựng các cánh đồng liên kết với nông dân theo các tiêu chuẩn quốc tế như: Organic (USDA – Mỹ, EU, Nhật), Global GAP, SRP (tiêu chuẩn sản xuất gạo bền vững do Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc cùng Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế sáng lập và vận hành) đối với thị trường Hong Kong.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cũng mong muốn doanh nghiệp của hai bên sẽ tận dụng tốt các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hong Kong đã có hiệu lực từ 11/6/2019 để đẩy mạnh tăng trưởng thương mại hai chiều, chia sẻ về nhu cầu tiêu thụ cũng như khả năng cung cấp, tạo được quan hệ hợp tác giao thương uy tín, lâu dài./.