HoREA: Nhiều dự án tại TP. HCM bị “đứng hình”, đẩy giá bất động sản lên cao
Đại diện HoREA cho rằng, trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Trong 4 năm qua, đã có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai, gây ra tình trạng trì trệ cho cả thị trường.
HoREA dẫn chứng, từ ngày 01/07/2015 đến tháng 08/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị dừng các thủ tục đầu tư, dù đã có Quyết định chủ trương đầu tư, nhưng không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm tiếp các thủ tục đầu tư xây dựng.
Từ sau ngày 07/03/2017, có khoảng 150 dự án nhà ở liên quan đến sử dụng quỹ đất công, đã bị tạm dừng để được rà soát các thủ tục đầu tư đã được thực hiện trước đây. Mặc dù đến tháng 03/2019, Lãnh đạo cơ quan trung ương và thành phố đã công bố cho 124 dự án được tiếp tục hoạt động bình thường, nhưng thực chất nhiều dự án đến nay vẫn chưa hoạt động bình thường.
Cả năm 2018, thị trường địa ốc thành phố tiếp tục trì trệ. Chỉ có 19 dự án được công nhận chủ đầu tư, 59 dự án được chấp thuận đầu tư và 53 dự án được cấp giấy phép xây dựng, với tổng số 39.959 căn hộ, với tổng diện tích đất 3.263.212 m2, giảm 42% số lượng dự án, giảm 40% về số lượng căn hộ và giảm 74% về tổng diện tích đất các dự án nhà ở so với năm 2017.
Ngoài ra, chỉ có 08 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 323.655 m2. Đồng thời, chỉ có 77 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 28.316 căn nhà, giảm 16,31% về số lượng dự án và giảm 34,14% về số lượng căn nhà so với năm 2017.
Tình trạng trì trệ tiếp 09 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xu thế bị sụt giảm, chỉ có 01 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.
Đồng thời, chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018. Trong đó, có đến 31 dự án nhà ở quy mô “vừa và nhỏ”, nhưng có 01 dự án đại đô thị tại quận 9 với tổng số 10.007 căn hộ, tỷ lệ 63%, chiếm vị thế áp đảo trên thị trường.
Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng. Do tổng cầu quá lớn nhưng nguồn cung ít đã đem lại lợi nhuận lớn cho một số chủ đầu tư, nhưng lại làm cho khách hàng phải mua nhà giá cao hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
Trước thực trạng trên, HoREA cũng đưa ra một số đề xuất để cải thiện tình hình. Trong đó đặc biệt lưu tâm đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật (xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, liên thông.
Thực hiện lộ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp trong năm 2019; Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và Đề án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong năm 2020.
Trước mắt, đề nghị tập trung giải quyết các vướng mắc, xung đột giữa một số quy phạm pháp luật của Luật Nhà ở với Luật Đất đai, giữa Luật Đầu tư với Luật Quy hoạch đô thị; Cơ chế để giải quyết phần đất công (bao gồm đất rạch, đường, bờ đất) thuộc Nhà nước quản lý trong dự án nhà ở; Cơ chế để giải quyết các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp và công tác tính tiền sử dụng đất, để khai thông các vướng mắc và ách tắc của thị trường bất động sản hiện nay.
Ngoài ra, theo HoREA, các Bộ, ngành, địa phương nâng cao tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực, nghiêm minh của công tác thực thi pháp luật, trong đó có pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản; cải cách thủ tục hành chính thực chất, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đảm bảo tính phục vụ và trách nhiệm giải trình; nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ, ý thức phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước…