Hưng Yên tìm đường xuất khẩu chuối
Người dân kém mặn mà
Năm 2019, toàn huyện Khoái Châu trồng 905 ha chuối, trong đó có 405 ha chuối tiêu hồng. Đặc biệt, tại hai xã Đại Tập và Tân Châu, cây chuối đang được người dân sản xuất theo hướng VietGAP. Tại địa phương này, cây chuối tiêu hồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng nhãn hiệu tập thể.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tập cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, giá cả bấp bênh, năm được năm mất, người dân đã không còn mặn mà với cây chuối.
Toàn tỉnh Hưng Yên có trên 2.000 ha chuối, tập trung chủ yếu tại thành phố Hưng Yên, các huyện Kim Động và Khoái Châu. Những năm qua, diện tích trồng chuối tại Hưng Yên liên tục mở rộng. Thậm chí, nhiều hộ dân còn bủa đi khắp các tỉnh thuê đất để trồng chuối. |
Ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc HTX DVNN Đại Tập cho biết, toàn xã hiện trồng khoảng 180 ha chuối, chủ yếu là giống tiêu hồng.
Ông Lợi nhẩm tính, mỗi năm, xã Đại Tập xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn chuối tươi. Nhưng hỏi về điểm đến, đường đi của quả chuối quê mình, cả ông Tuấn, ông Lợi đều lắc đầu.
Theo ông Lợi, dù trồng ra rất nhiều, sản xuất bài bản nhưng đầu ra vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Lãnh đạo xã chỉ phong phanh rằng, chuối quê mình xuất đi Trung Quốc. Còn ai nhập, xuất đi bằng đường nào thì… chịu!
Ông Tuấn thì cho biết, đến vụ, thương lái từ khắp nơi kìn kìn đánh ô tô về thu mua. Toàn bộ hoạt động này xã không kiểm soát, cũng không ai thông qua chính quyền nên không nắm được.
Chỉ khi nhà báo hỏi sản lượng, ông Tuấn mới rút điện thoại tính nhanh với công thức năng suất x diện tích.
Khoảng 2 năm nay, chuối bán đi chậm hơn, rẻ hơn, mà theo thương lái giải thích thì do "Trung Quốc nhập ít hơn". Về nguyên nhân sâu xa, ông Lợi cho rằng, người dân hiện nay vẫn trồng tự phát.
Nói là không mặn mà, nhưng trên thực tế, nhiều hộ vẫn đang chuyển đổi từ lúa sang chuối. Những hộ trồng lâu thì lại chuyển dần từ chuối sang cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc.
Ông Nguyễn Văn An, thôn Ninh Tập (xã Đại Tập) cho biết, gia đình có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng chuối. Nhờ có cây chuối, ông xây được nhà cao cửa rộng, con cái học hành tử tế. Nhưng 2 năm nay thì…
Khi còn hoàng kim, có những vụ, ông bán chuối cho thương lái với giá 13 nghìn đồng/kg, thu về cả tỷ bạc. Nhưng mấy vụ gần đây, giá chuối có khi chạm đáy, 4,5 nghìn đồng/kg chuối tây, 1,5 nghìn đồng/kg chuối tiêu hồng. Giá thấp, nhưng nhiều khi ông và vợ vẫn ngồi ngóng thương lái về thu mua, mong vớt vát được tiền công.
"Vụ này, nếu chuối còn tiếp tục rớt giá, chắc chắn gia đình tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi sang các giống khác. Có thể là chuối tiến vua, hoặc trồng tiếp cam, bưởi", ông An chia sẻ.
Tìm thị trường xuất khẩu
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành kế hoạch ứng dụng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS trong quản lý và cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật HưngYên cho biết, từ năm 2020, sẽ chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng để quản lý và cấp mã số vùng trồng, hướng tới xuất khẩu. Các thị trường nông sản Hưng Yên nhắm tới là Mỹ, Úc, Châu Âu, đặc biệt là Trung Quốc.
Tỉnh Hưng Yên giao Sở NN-PTNT phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật áp dụng việc quản lý và cấp mã số vùng trồng theo kế hoạch; phối hợp với các địa phương lập danh sách các hộ dân được cấp mã số để theo dõi, đánh giá.
Về phương án xuất khẩu, hai Sở NN-PTNT, Công thương được giao nhiệm vụ thông tin, phổ biến tại các vùng được cấp mã số vùng trồng để thuận lợi thu mua, sơ chế xuất khẩu. Đặc biệt, tìm đường xúc tiến thương mại, liên kết với các thị trường tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu.
Theo kế hoạch, năm 2020, tỉnh Hưng Yên sẽ rà soát, cấp mới 2 mã số vùng trồng với cây chuối, với diện tích 17ha. Từ đó, quả chuối Hưng Yên có thể đáp xuất khẩu vào Trung Quốc theo con đường chính ngạch.
Theo ông Cường, đơn vị sẽ phối hợp với ngành Công thương, tìm hiểu các yêu cầu từ phía thị trường Trung Quốc.
Hằng năm, sản lượng chuối của huyện Khoái Châu luôn đạt trên 40 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, chủ yếu tiêu thụ nội địa, lượng xuất khẩu vô cùng ít ỏi.
Theo đó, mỗi năm chỉ có khoảng 7 nghìn tấn chuối bán được sang Trung Quốc thông qua các thương lái. 1 nghìn tấn xuất sang các nước khác như Malaysia, Iran, Ai cập, Nga… thông qua một số doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng NN-PTNT Khoái Châu cho biết, đầu ra cho cây chuối vẫn là bài toán khó. Thị trường tiêu thụ không ổn định, nhất là thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, người dân bị các thương lái ép giá. |