Huyện Sơn Tịnh khai thác lợi thế, ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao

01/12/2024 07:56 GMT +7
Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, người dân huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đổi mới tư duy canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng.

Khai thác tốt lợi thế để sản xuất nông nghiệp

Ông Trương Công Hòa – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho biết: "Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Sơn Tịnh xây dựng và triển khai các dự án, mô hình về hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân một cách hiệu quả và bền vững.

Huyện Sơn Tịnh khai thác lợi thế, ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao - Ảnh 1.

Mô hình nuôi bò Zêbu ở Sơn Tịnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Nhị

Từ năm 2016 đến nay, địa phương đã thực hiện 75 mô hình, dự án khuyến nông thuộc chương trình khuyến nông của huyện; tổ chức 105 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; thực hiện 13 dự án chăn nuôi và 5 dự án trồng trọt với tổng kinh phí 8,5 tỷ đồng...

Ông Phạm Hồng Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Tịnh cho hay, là địa phương có truyền thống phát triển nông nghiệp, huyện Sơn Tịnh đã rà soát, lựa chọn những sản phẩm lợi thế của địa phương như: lúa gạo, ngô (sinh khối), rau, quả, bò, lợn, gà (thả đồi)... để xây dựng kế hoạch phát triển, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm.

"Theo đó, huyện đã khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền, đổi thửa. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện dồn điền, đổi thửa 410 ha, hình thành các cụm kinh tế trang trại chăn nuôi gà, lợn; xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm,... Đối với các sản phẩm lợi thế, huyện đã chú trọng tập huấn, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn "1 phải" "5 giảm", VietGAP... để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực tìm kiếm doanh nghiệp, thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu các sản phẩm cho người dân..." – Ông Sơn chia sẻ.

Huyện Sơn Tịnh khai thác lợi thế, ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao - Ảnh 2.

Sơn Tịnh phát triển các sản phẩm lợi thế đã và đang góp phần quan trọng để nông nghiệp của huyện có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 90 - 100 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: CTV

Theo ông Hòa, huyện Sơn Tịnh đang chú trọng phát triển các sản phẩm lợi thế như lúa gạo, bò thịt, thịt lợn, thịt gia cầm, cây ngô (sinh khối)... Hầu hết, tại các xã đã hình thành được vùng chuyên canh lúa. Tại các vùng chuyên canh, huyện cũng đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm ổn định. Có thể nói, việc phát triển các sản phẩm lợi thế đã và đang góp phần quan trọng để nông nghiệp của huyện có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 90 - 100 triệu đồng/ha/năm.

Ứng dụng KHCN vào sản xuất hiệu quả

"Những năm qua, nhiều mô hình, dự án nông nghiệp liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên địa bàn huyện được hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là Dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết giữa Doanh nghiệp – Nông dân để sản xuất ngô thương phẩm, làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả.." – Ông Hòa chia sẻ.

Huyện Sơn Tịnh khai thác lợi thế, ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao - Ảnh 3.

-Huyện Sơn Tịnh hình thành các cụm kinh tế trang trại chăn nuôi gà nhằm phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp của huyện. Ảnh: CTV

Sau khi kết thúc Dự án, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Giang đã tiếp tục duy trì liên kết sản xuất và tổ chức nhân rộng mô hình trên địa bàn, phát huy tốt các máy mọc thiết bị dự án đầu tư (máy cày, máy bóc tách hạt ngô, máy sấy nông sản...). Đặc biệt, HTX Tịnh Giang tiếp tục liên kết với trang trại bò sữa Vinamilk sản xuất ngô sinh khối ổn định diện tích hằng năm khoảng 50ha và đã nhân rộng ra các xã lân cận.

Huyện Sơn Tịnh cũng thực hiện thành công Dự án "Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển đàn bò lai hướng thịt trên nền bò cái Zêbu" tại các xã miền núi.

Thông qua Dự án góp phần tạo ra đàn bò lai hướng thịt trong thời gian ngắn, thích nghi tốt với điều kiện môi trường chăn nuôi tại địa phương; góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò, tăng thu nhập cho nông hộ, giúp giảm nghèo bền vững. Đồng thời thúc đẩy phong trào cải tạo đàn bò, tăng số lượng đàn bò lai trên toàn huyện đạt hơn 86% tổng đàn.

Huyện Sơn Tịnh khai thác lợi thế, ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao - Ảnh 4.

Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên địa bàn huyện Sơn Tịnh được hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: CTV

Ông Hòa cho hay, việc thực hiện thành công Dự án "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng vùng chuyên canh lạc (đậu phộng) trên đất lúa và màu kém hiệu quả theo chuỗi giá trị tại xã Tịnh Thọ", đã giúp huyện Sơn Tịnh chứng minh cho nông dân trực tiếp tham gia hoặc vùng lân cận thấy được hiệu quả khi ứng dụng đồng bộ các giải pháp về khoa học công nghệ, hình thành mô hình liên kết Doanh nghiệp – HTX – Nông dân trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm đầu ra được ổn định và góp phần đảm bảo dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.

"Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Sơn Tịnh sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tập trung, tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường...", ông Hòa cho biết thêm.

Trần Hậu - Tuyết Nhung