Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos sắp tiến hành bàn giao quyền giám đốc điều hành tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất hành tinh cho người kế nhiệm vào đầu tuần tới.
Người thay Jeff Bezos giữ chức CEO Amazon kể từ hôm 5/7 là Andy Jassy, hiện là giám đốc bộ phận Amazon Web Services. Như vậy, tròn 27 năm sau ngày thành lập Amazon vào năm 1994, tỷ phú Jeff Bezos sẽ không còn nắm quyền điều hành gã khổng lồ thương mại bán lẻ của nước Mỹ.
Jeff Bezos đã điều hành đế chế Amazon khổng lồ trong suốt gần 3 thập kỷ, đưa nó từ một cửa hàng sách trực tuyến nhỏ bé thành tập đoàn thống trị lĩnh vực bán lẻ trực tuyến và hiện đang vươn bàn tay ra hàng loạt lĩnh vực công nghệ mới từ lưu trữ đám mây, phương tiện truyền thông cho đến trí tuệ nhân tạo.
Sau khi rời vai trò CEO Amazon, tỷ phú giàu nhất hành tinh với khối tài sản ròng gần 200 tỷ USD (theo tính toán của Forbes) dự kiến sẽ dành phần lớn thời gian cho các dự án khám phá không gian và biến đổi khí hậu. Chỉ 2 tuần sau ngày 5/7, Jeff Bezos sẽ có chuyến du hành không gian trên con tàu vũ trụ của Blue Origin - hãng du lịch vũ trụ do chính Jeff Bezos thành lập vào năm 2000.
Nhìn lại hành trình xây dựng Amazon suốt gần 3 thập kỷ, bên cạnh những góc nhìn ngưỡng mộ và đề cao vai trò của Jeff Bezos trong việc xây dựng một nền tảng bán lẻ trực tuyến cung cấp cho người mua quyền tiếp cận các mặt hàng với chi phí rẻ nhất và hệ thống hậu cần vận chuyển nhanh chóng nhất; cũng có nhiều ý kiến cho rằng chính Jeff Bezos đã góp phần thúc đẩy hoạt động độc quyền của Amazon cũng như môi trường làm việc áp lực cho nhân viên của tập đoàn này. Thực tế, trong suốt thời gian qua, Amazon nhiều lần đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý chống độc quyền.
Vậy liệu rằng Jeff Bezos đã để lại di sản to lớn nào cho Amazon? Và đế chế với giá trị thị trường ước tính 1,75 nghìn tỷ USD sẽ thay đổi ra sao khi Jeff Bezos rời ghế CEO?
Không thể phủ nhận tầm quan trọng và vai trò định hình của Jeff Bezos trong việc gây dựng Amazon từ một cửa hàng sách trực tuyến non trẻ thành một tập đoàn công nghệ internet khổng lồ bậc nhất hành tinh - sàn thương mại điện tử và công ty internet lớn nhất thế giới tính theo doanh thu.
Ngoài thị trường web, Amazon còn là nhà cung cấp dịch vụ đám mây số một hành tinh và “Alexa” của Amazon là trợ lý ảo hàng đầu trên toàn thế giới.
Robert Atkinson, chủ tịch Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF) nhận định về Jeff Bezos: “Ông ấy sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ với tư cách một trong những doanh nhân vĩ đại nhất mọi thời đại, bên cạnh những cái tên như Henry Ford, Thomas Edison, Bill Gates và Steve Jobs”.
“Trở lại năm 1994, bạn chưa thể biết đến các thiết bị di động như iPhone, những thiết bị giúp kết nối Internet nhanh chóng và rẻ hơn. Nhưng Bezos đã nhìn thấy những xu hướng đó. Ông ấy định hình cách người tiêu dùng mua hàng hiện nay” - ông Robert Atkinson khẳng định.
Theo ông Atkinson, việc Bezos tạo ra Amazon Prime, một dịch vụ mua sắm nhanh chóng, thuận tiện, nhiều ưu đãi và thậm chí bao gồm cả dịch vụ giải trí cho nhóm “khách hàng VIP” với hơn 200 triệu người dùng hiện tại là một trong những nền móng quan trọng đưa Bezos thành người tiên phong trong lĩnh vực mua sắm bán lẻ.
Ngoài ra, dưới sự điều hành của Jeff Bezos, những thành tựu của Amazon trong làn sóng tự động hóa, chẳng hạn việc áp dụng máy móc và robot vào các công đoạn đã mang lại nhiều đột phá, hướng tới đích đến cuối cùng là lợi ích người lao động. Chỉ trong năm 2020, Amazon đã tuyển dụng thêm 500.000 lao động trên toàn cầu. Hiện lực lượng lao động của Amazon khắp thế giới lên tới khoảng 1,3 triệu người.
Mặc dù những người ủng hộ công nghệ tin rằng những thành tựu to lớn của Amazon sẽ giúp cuộc sống của người lao động Mỹ dễ dàng hơn, đồng thời làm giàu cho xã hội Mỹ; nhưng có nhiều ý kiến hoài nghi điều này. Một trong những nguyên nhân chính là việc Amazon nhiều lần đối diện với các cáo buộc điều kiện lao động khắc nghiệt và áp lực.
Lebaron Sims, phó giám đốc chính sách và nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Demos nhận định sự phát triển của Amazon có nhiều điểm tương đồng với nhà bán lẻ Walmart. “Mức giá thấp nhất (mà Amazon cung cấp cho người tiêu dùng) được tạo nên từ mức lương thấp nhất (mà Amazon trả cho người lao động”.
“Tôi sẽ nhớ về Bezos và di sản của ông ấy như một doanh nhân có thế giới quan ảm đạm…, một người coi nhân viên kho hàng là những kẻ lười biếng và dựa vào hệ thống giám sát thường xuyên để quản lý công việc của người lao động” - ông Sims nói thêm.
“Tình trạng lao động và sự bóc lột thể lực được đưa vào mọi cấp độ trong mô hình kinh doanh của họ” - chuyên gia này nói thêm. “Dù vậy, không thể phủ nhận cơ sở hạ tầng internet thiết yếu của Amazon là một minh chứng đáng chú ý cho tầm nhìn của Jeff Bezos”.
Bên trong các nhà kho khổng lồ của Amazon (Ảnh: Getty Images)
Amazon cũng chịu sự theo dõi chặt chẽ của nhiều cơ quan lập pháp liên quan đến các cáo buộc độc quyền. Trong tuần qua, Amazon đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ Lina Khan rút lại vụ điều tra chống độc quyền nhằm vào đế chế này, một động thái diễn ra chỉ vài tuần sau khi Tổng chưởng lý Quận Columbia đệ đơn cáo buộc Amazon độc quyền giá. Vụ việc bắt đầu hồi cuối tháng 5 năm nay, khi Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Karl Racine đệ trình cáo buộc gã khổng lồ thương mại điện tử kiểm soát khoảng 50-70% doanh số bán hàng thương mại điện tử tại Mỹ, qua đó nắm quyền chi phối giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Theo nghiên cứu của eMarketer, thị phần của Amazon trên thị trường thương mại điện tử Mỹ đã tăng lên 39,8% trong năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 44,1% trong năm 2021, tương đương mức doanh thu 367,19 tỷ USD từ mảng kinh doanh này.
Mặc dù rời cương vị CEO Amazon, Jeff Bezos vẫn sẽ điều phối tập đoàn với vai trò Chủ tịch điều hành tập đoàn này. Ngoài ra, trong một email gửi tập thể nhân viên hồi tháng 2, vị tỷ phú giàu nhất hành tinh cũng cho biết sẽ dành phần lớn thời gian còn lại cho các dự án khác mà ông quan tâm.
Trước mắt, vị tỷ phú 57 tuổi có kế hoạch phát triển Quỹ Trái đất Bezos, một quỹ từ thiện tư nhân nhằm giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu với mức chi dự kiến 1 tỷ USD mỗi năm trong suốt thập kỷ tới.
Jeff Bezos cũng dành nhiều sự quan tâm tới lĩnh vực du hành không gian. Vào ngày 20/7 tới, vị tỷ phú sáng lập Amazon sẽ tham gia vào chuyến hành trình độc nhất vô nhị của mình: chuyến bay kéo dài 11 phút đến rìa không gian trên con tàu vũ trụ của Blue Origin. Jeff Bezos thành lập Blue Origin vào năm 2000 với mục tiêu tư nhân hóa các chuyến bay vào không gian của con người.
Về phía Amazon sau khi Jeff Bezos rời đi, tập đoàn này có nhiều hướng phát triển mới đầy tiềm năng như Amazon Care, một dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa theo yêu cầu hay Project Kuiper, một sáng kiến băng thông vệ tinh. Trong tương lai, Amazon đặt mục tiêu tiến vào các ngành công nghiệp viễn thông và chăm sóc sức khỏe đầy thách thức thông qua hai dự án này.