Kế hoạch tăng vốn cho ngân hàng quốc doanh “bỏ ngỏ” vì Covid-19
Công ty chứng khoán KB Securities (KBSV) phát hành báo cáo chiến lược thị trường phát hành cuối tuần qua. KBSV nhận định, mức độ hòa nhập và độ mở kinh tế Việt Nam hiện đã có sự khác biệt hoàn toàn so với giai đoạn dịch SARS. Tác động của dịch Corona đến biến động TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều.
Theo KBSV, nhìn lại giai đoạn năm 2003, bối cảnh kinh tế toàn cầu vừa hồi phục từ khủng hoảng tại Mỹ cuối năm 2000 và khủng hoảng Châu Á cuối những thập niên 90, tác động của dịch SARS đã là tương đối rõ nét đến tăng trưởng kinh tế.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù chưa có cơ sở để đánh giá chi tiết, KBSV cho rằng dịch corona do chủng mới Covid-19 sẽ có tác động lớn hơn nhiều khi mà kinh tế toàn cầu trước đó đã cho thấy các dấu hiệu suy yếu, các NHTW không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách, trong khi chu kỳ kinh tế đã trải qua giai đoạn tăng trưởng kéo dài hơn 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng gần nhất.
Khác với các giai đoạn trong quá khứ, khi mà kinh tế Việt Nam tỏ ra tương đối vững vàng trước các biến động bên ngoài. Ở giai đoạn hiện tại, dịch Covid-19 dự báo sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế, cũng như lợi nhuận các doanh nghiệp trong nước, và nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế quy mô toàn cầu.
"Việc các NHTW tăng cường các chính sách kích thích kinh tế là 1 tín hiệu tích cực. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, dư địa nới lỏng chính sách của các NHTW không còn lớn như giai đoạn hậu khủng hoảng 2008-2009. Điều này đồng nghĩa với việc tác động của các chính sách này sẽ bị hạn chế đáng kể và khó có thể là động lực giúp xu hướng rút vốn ròng được đảo ngược. Trong khi đó, đối với các động lực thu hút vốn ngoại trong nước, câu chuyện thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ khó có thể được đẩy mạnh", báo cáo của KBSV nhấn mạnh.
Đặc biệt, Covid-19 không chỉ gây ra các ảnh hưởng lớn hơn đến tăng trưởng kinh tế trong nước, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, mà còn tác động đến các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tăng vốn ngân hàng quốc doanh của Chính phủ.
Nói về kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng thương mại Nhà nước, trước đó Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng cho biết, Chính phủ sẽ tăng 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho Vietcombank và VietinBank trong quý I/2020.
Còn Agribank toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.
Với riêng VietinBank, phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng từng chia sẻ, Chính phủ đã có chủ trương tăng vốn cho VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, 2018. Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện sửa đổi Nghị định để báo cáo Chính phủ tăng vốn.
Tuy vậy, lãnh đạo VietinBank cho biết, ngay cả khi được giữ lại cổ tức tiền mặt để tăng vốn, nguồn vốn này cũng chỉ mới đáp ứng 1/3 nhu cầu tăng trưởng để phát triển của ngân hàng. Vì vậy sau khi được Thủ tướng phê duyệt phương án tăng vốn, VietinBank sẽ tiếp tục đề xuất với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ phương án tăng vốn mới, kèm các giải pháp cụ thể, có tính khả thi để VietinBank nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Lãnh đạo VietinBank cũng cho hay, tiến độ tăng vốn điều lệ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tăng trưởng kinh doanh của ngân hàng này năm 2020.
Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầu nửa tháng nữa sẽ kết thúc quý I/2020, nhưng thông tin mới về việc tăng vốn cho các "ông lớn" này vẫn còn bỏ ngỏ.