Khẩn trương gỡ rối cho nhà đầu tư điện gió ở Quảng Trị trước nguy cơ “vỡ trận”
Vì lý do trên, sáng 12/3, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị, các Sở, ban ngành, địa phương và hơn 40 nhà đầu tư dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Tại hội nghị, ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương được đánh giá có tiềm năng lớn về phát triển các dự án năng lượng, bao gồm: Thủy điện, nhiệt điện, đặc biệt là tiềm năng phát triển điện gió và điện mặt trời.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 53 dự án được quy hoạch với tổng công suất 4.747MW (trong đó 15 dự án với tổng công suất 377MW đã đưa vào vận hành, 38 dự án với tổng công suất 4.370MW đang triển khai đầu tư và thực hiện thủ tục đầu tư); trên 70 dự án với tổng công suất khoảng 10.700MW đã được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét đưa vào quy hoạch trong thời gian tới (các dự án chưa được bổ sung quy hoạch chủ yếu do khả năng truyền tải của lưới điện chưa đáp ứng kịp).
Đó là cơ sở để Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung với quy mô công suất từ 13.000MW - 15.000MW. Đến năm 2025 Quảng Trị phấn đấu đạt quy mô công suất phát điện khoảng 4.000MW. Đến năm 2030 đạt khoảng 10.000MW.
Để đạt được điều đó, Quảng Trị kỳ vọng vào các dự án năng lượng mà các nhà đầu tư đang triển khai, nhất là các dự án điện gió.
Hiện nay, Quảng Trị đang có 29 dự án điện gió với tổng công suất 1.117MW đang đầu tư xây dựng; dự kiến trong năm 2021 có 15 dự án với tổng công suất trên 600MW sẽ hoàn thành.
Các dự án điện gió này đang chạy đua từng ngày, từng giờ để đảm bảo phát điện trước 1/11/2021 nhằm hưởng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện gió của Chính phủ.
Tuy nhiên, đường dây truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chưa đáp ứng được nhu cầu khiến các nhà đầu tư điện gió rất lo ngại.
Ông Lê Quang Vĩnh – Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị cho biết, hiện nay, dự án Trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo; dự án nâng cấp đường dây 110 kV Đông Hà - Lao Bảo nhằm truyền tải điện từ vùng Tây Quảng Trị đến TP.Đông Hà đang vướng mắc việc giải phóng mặt bằng, dẫn đến tiến độ xây dựng chậm khiến các nhà đầu tư điện gió lo lắng.
Ông Trịnh Văn Tuấn - Tổng Giám đốc của 3 dự án điện gió Liên Lập, Phong Huy và Phong Nguyên (tổng công suất 144MW) cho biết, nếu không tháo gỡ được việc truyền tải điện thì nguy cơ "vỡ trận" cho nhà đầu tư, thiệt hại kinh tế rất lớn. Vì vậy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần sớm tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, hoàn thành sớm các dự án nâng cấp, xây dựng mới đường dây truyền tải điện.
Ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết đồng hành cùng tỉnh Quảng Trị hoàn thành dự án Trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo; dự án nâng cấp đường dây 110 kV Đông Hà - Lao Bảo trước tháng 10/2021 để giải tỏa công suất nguồn điện các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo theo yêu cầu tiến độ của các nhà đầu tư điện gió đang triển khai dự án; ủng hộ Quảng Trị đưa vào quy hoạch điện lực Quốc gia dự án Trạm 500kV Lao Bảo và đường dây 500kV Đông Hà - Lao Bảo để giải tỏa công suất các dự án nguồn điện nhất là điện gió ở phía Tây Quảng Trị trong thời gian tới.
Ông Nhân nhấn mạnh, chính quyền tỉnh Quảng Trị phải đốc thúc, sớm giải phóng mặt bằng thì các bên liên quan mới có thể thi công 2 dự án nói trên.
"Các nhà đầu tư đã bỏ ra hàng chục triệu USD để xây dựng, nên chúng ta phải cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình giúp đỡ nhà đầu tư. Tôi tin rằng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, cùng các ngành liên quan, tỉnh sẽ phát huy tiềm năng điện năng, góp phần phát triển đất nước" – ông Nhân nói.
Ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cam kết tổ chỉ đạo giải phóng mặt bằng sẽ chỉ đạo xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở, hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 3/2021 để 2 dự án trên có thể thi công.
Ông Hưng cho hay, một số hộ dân đòi đến bù 1,4 tỷ đồng khi thu hồi 90 m2 đất; 1ha đất rừng đòi đền bù 5-6 tỷ đồng là vô lý, không thể chấp nhận. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân ý thức chấp hành, nếu không thì cần có biện pháp mạnh.
Ông Hưng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã ủng hộ việc phát triển "Tỉnh Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của Khu vực miền Trung", tạo điều kiện cho Quảng Trị vững bước đi lên cùng cả nước. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị mong Tập đoàn điện lực Việt Nam, các nhà đầu tư, chính quyền, ban, ngành các cấp và đặt biệt là nhân dân địa phương cùng đồng hành, giúp đỡ các dự án sớm hoàn thành, đi vào phát điện, đóng góp ngân sách cho tỉnh.