Khẩu trang "cháy hàng" sẽ đóng góp bao nhiêu cho Vinatex?
Đóng góp cả doanh thu và thương hiệu
Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona đang ảnh hưởng tới người dân. Khẩu trang là một trong những mặt hàng trở nên "nóng" hơn bao giờ hết. Nhiều cửa hàng thuốc lợi dụng dịch bệnh tăng giá khẩu trang gấp 10 lần nhằm kiếm lợi. Vì vậy, "cơn sốt" khẩu trang lại "nóng" hơn bao giờ hết.
Trước tình hình đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) được giao nhiệm vụ cấp tập sản xuất khẩu trang, cung cấp cho người dân góp phần phòng chống dịch bệnh.
Thời gian đầu, do khẩu trang là mặt hàng mới nên năng suất lao động chưa cao. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, mỗi này, Vinatex có thể tung ra thị trường từ 300.000 tới 400.000 chiếc. Như vậy, một ngày thấp nhất tập đoàn thu về 2,1 tỷ đồng. Trong 10 ngày đầu, doanh thu khẩu trang đạt khoảng 21 tỷ đồng.
Ngay sau khi Vinatex tung ra những lô khẩu trang đầu tiên, người dân đã xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ để mua. Do nhu cầu quá cao nên công ty chỉ bán cho mỗi người 5 chiếc để đảm bảo khẩu trang đến được tay càng nhiều người dân càng tốt.
Trước sức nóng đó, Vinatex cho biết sắp tới, công suất sẽ tăng lên gần 500.000 chiếc mỗi ngày (tương đương 3,5 tỷ đồng). Như vậy, trong những ngày cuối quý 1/2020, khẩu trang sẽ mang về khoảng 175 tỷ đồng doanh thu cho Vinatex. Tính chung cả tháng, Vinatex sẽ có được gần 200 tỷ đồng từ khẩu trang.
200 tỷ đồng có lẽ là doanh thu lớn chưa từng có với mặt hàng khẩu trang, thậm chí với cả công ty chuyên về khẩu trang. Khẩu trang đang tăng mạnh tỷ trọng trong tổng doanh thu của Vinatex.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 của Vinatex, tổng doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vinatex đạt 4.553 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa, doanh thu về khẩu trang (ước tính) của Vinatex trong quý 1/2020 bằng 4,3% tổng doanh thu.
Có thể thấy, xét về doanh thu, trong quý 1/2020, khẩu trang chắc chắn sẽ có đóng góp lớn cho Vinatex. Thế nhưng, trên thực tế, mặt hàng này có đóng góp nhiều hơn cho anh cả ngành dệt may về mặt thương hiệu.
Thời gian qua, bên cạnh Vinatex, nhiều công ty con của Tập đoàn này như Dệt kim Đông Xuân, Hanosimex, May Hưng Yên, May 10, May Hưng Yên, Việt Tiến, Dệt May Huế, Dệt May Hòa Thọ,… liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Giá cổ phiếu chưa thể tăng trần
Giá cổ phiếu dệt may nói chung và giá cổ phiếu của "họ Vinatex" nói riêng gần như "đóng băng" suốt thời gian dài qua. Tuy nhiên, sau khi tham gia cung cấp khẩu trang, cổ phiếu "họ Vinatex" dần "tan băng".
Cụ thể, trong tháng 1/2020, cổ phiếu VGT của Vinatex chỉ giảm 500 đồng/CP, tương ứng 5,6% dù chỉ số Vn-Index biến động khá mạnh. Tuy nhiên, sau thông tin Vinatex cung cấp khẩu trang ra thị trường, giá VGT có 2 phiên tăng mạnh liên tiếp. Đóng cửa phiên 7/2, VGT dừng ở mức 9.100 đồng/CP, tăng 1.100 đồng/CP, tương ứng 13,75% so với phiên đầu tiên của tháng 2/2020.
Cổ phiếu HDM của Công ty cổ phần Dệt may Huế (công ty con của Vinatex) cũng "tan băng". Trong tháng 1/2020, HDM chỉ giảm 500 đồng/CP, tương ứng 2,9% so với cuối năm 2019. Thế nhưng, chỉ trong 2 phiên gần đây, HDM đã tăng 1.300 đồng/CP, tương đương 8,2%.
Tuy nhiên, vẫn có một vài cổ phiếu dệt may "họ Vinatex" bất động. Cổ phiếu VTI của Công ty Cổ phần Sản xuất – Xuất nhập khẩu Dệt May và HSM của Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội đứng im ở mức 4.000 đồng/CP và 22.000 đồng/CP. Cả VTI và HSM cùng bất động trong suốt nhiều phiên giao dịch gần đây.
Có thể thấy, cổ phiếu dệt may "họ Vinatex" đang có sự phân chia: hoặc tăng mạnh hoặc đứng im. Tuy nhiên, dù tăng mạnh, VGT hay HDM không thể tăng trần như cổ phiếu ngành dược (DHG của Dược Hậu Giang và DTH của Dược phẩm Hà Tây).
Đây cũng là điều dễ hiểu vì dù doanh thu tăng mạnh nhưng khẩu trang sẽ không đóng góp nhiều vào lợi nhuận cho Vinatex. Khẩu trang do Vinatex có giá 7.000 đồng/chiếc, đúng bằng giá vốn.