Khởi nghiệp thành công nhờ mạnh dạn bỏ phố về quê nuôi chim, trồng nấm
Ra trường với tấm bằng cử nhân ngành Công nghệ sinh học, Đại học Yersin Đà Lạt, đam mê đặc biệt với ngành trồng trọt nên ngay khi rời ghế nhà trường, bạn Nguyễn Xuân Truyện ở xã Ân Hảo Đông, huyện miền núi Hoài Ân, tỉnh Bình Định quyết định về quê khởi nghiệp bằng mô hình sản xuất phôi nấm.
Được vay hơn 300 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ “Quỹ Thanh niên lập nghiệp khởi nghiệp” của Tỉnh Đoàn Bình Định, Nguyễn Xuân Truyện bắt tay mày mò khởi nghiệp. Dù là cử nhân sinh học, nhưng kiến thức từ sách vở và thực tế khác xa. Mất 3 năm “chật vật” thực nghiệm, Truyện dần làm chủ kỹ thuật sản xuất phôi nấm rồi đến tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Bằng nhạy bén của tuổi trẻ, Truyện xây dựng kênh youtube “Truyện nấm” để quảng bá sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nấm... Hiện nay, kênh youtube này đã được hơn 11.000 lượt đăng ký theo dõi, là nguồn bán hàng hữu hiệu.
Sau gần 10 năm khởi nghiệp, cơ sở sản xuất phôi nấm của Nguyễn Xuân Truyện đã đạt doanh thu hơn 800 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng. Đến nay, 2 cơ sở sản xuất phôi nấm của Truyện mỗi ngày sản xuất được 10.000 bịch phôi nấm các loại như: bào ngư xám, nấm linh chi đỏ, sò trắng... cung cấp cho khách hàng các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài việc sản xuất phôi nấm, Truyện bắt đầu mua nấm linh chi ép khô, hướng đến việc mở rộng kinh doanh các sản phẩm từ nấm.
"Lúc đầu mới ra khởi nghiệp rất khó khăn, lúc đó mình chỉ biết về lý thuyết thôi. Khi mình ráp vào thực hành mình rất bỡ ngỡ vì lý thuyết và thực hành 2 cái đi song song với nhau hỗ trợ nhau thôi nhưng kinh nghiệm của thực hành cao hơn lý thuyết. Trong quá trình làm thất bại khá nhiều. 2-3 năm đầu cũng rất khó khăn, nhưng niềm đam mê cũng như sự tích cực của mình đã có được hôm nay”, Nguyễn Xuân Truyện cho biết.
Tương tự, Tô Vũ Thành Tín (25 tuổi), ở xã miền núi Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, tốt nghiệp Đại học chuyên ngành xây dựng nhưng lại rẽ ngang, chọn con đường về quê chăn nuôi. Mô hình anh lựa chọn khởi ngiệp là nuôi chim Trĩ. Tô Vũ Thành Tín vay 70 triệu đồng từ quỹ của Tỉnh Đoàn Bình Định để làm chuồng trại, mua chim Trĩ giống. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi, đến nay, mô hình của Tín đem lại hiệu quả. Chỉ hơn 2 năm nuôi chim trĩ, Tô Vũ Thành Tín đã xuất bán hơn 10.000 con chim lớn nhỏ các loại, cao điểm có lúc xuất bán 500 con mỗi lần, lãi từ 600 đến 800 triệu đồng mỗi năm. Không giữ kinh nghiệm cho riêng mình, Tín khuyến khích, đến tận nhà mọi người hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cam kết bao tiêu sản phẩm…
Tô Vũ Thành Tín cho biết, hiện anh đang tiếp tục nghiên cứu theo hướng mở rộng các loại chim cảnh như chim công, chim trĩ 7 màu đỏ, gà lôi trắng, chim hút mật: "Bà con nuôi thì sợ nhất là khâu đầu ra mà mình đảm bảo được đầu ra thì người ta sẽ mạnh dạn đầu tư nuôi. Sắp tới, em sẽ vừa phát triển nuôi ong với phát triển nuôi chim, tập trung dòng chim cảnh để bán cho thị trường vì bữa nay nhu cầu nuôi chim cảnh rất nhiều”.
Để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn Bình Định có Quỹ Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp khởi nghiệp đã cho vay 11 dự án, tổng dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, Trung ương Đoàn hỗ trợ cho thanh niên Bình Định vay 11 dự án, tổng dư nợ gần 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, thanh niên Bình Định còn tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để lập thân lập nghiệp. Những nguồn vốn này tuy không lớn, nhưng là đòn bẩy, tạo điều kiện để thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp và hầu hết các mô hình đều phát huy hiệu quả, giúp các bạn làm giàu và tạo công ăn việc làm, khuyến khích thanh niên địa phương mạnh dạn khởi nghiệp.
"Trong năm nay sẽ hỗ trợ 90 dự án thanh niên lập nghiệp khởi nghiệp, đây là con số gắn với 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và khơi dậy ý tưởng sáng tạo và tổ chức các cuộc thi, ý tưởng sáng tạo, các dự án sáng tạo trong đoàn viên thanh niên, trong sinh viên”, anh Hà Duy Trung, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Định cho biết thêm.