Kiến nghị tính giá điện rẻ hơn cho người sử dụng xe điện
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, cơ quan này cho biết phương tiện giao thông chạy bằng điện đang được Nhà nước khuyến khích, nhờ giúp giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị. Tuy nhiên, hiện nay, các chủ phương tiện vẫn phải trả giá điện tương đối cao để có thể sạc pin.
"Nếu sạc ở hộ gia đình thường sẽ phải trả tiền điện với giá khoảng 3.100-3.200 đồng/kWh; các điểm dịch vụ cũng thường thu ở mức giá hơn 3.100 đồng/kWh do giá mua điện đầu vào ở mức cao. Cơ chế giá như vậy chưa giúp khuyến khích sử dụng xe điện cũng như chưa góp phần điều chỉnh hành vi của người dùng để thay đổi giờ sạc điện vào những khung giờ thấp điểm", VCCI đánh giá.
Do đó, cơ quan góp ý đề nghị ưu tiên mức giá điện thấp hơn cho nhóm khách hàng sử dụng điện cho phương tiện giao thông nhằm khuyến khích loại phương tiện này.
"Giả sử, một chiếc ôtô điện mỗi tháng chi trả khoảng một triệu đồng cho sạc pin với mức giá khoảng 3.100 đồng/kWh. Nếu giá điện giờ thấp điểm giảm xuống chỉ còn 1.600 đồng/kWh thì mỗi tháng có thể tiết kiệm khoảng 450.000 đồng, mỗi năm khoảng 5,4 triệu đồng. Nếu lấy tuổi thọ của công tơ điện 10 năm, vậy tiền điện tiết kiệm được sau 10 năm khoảng 54 triệu đồng", VCCI dẫn chứng.
Ngoài ưu tiên mức giá điện thấp hơn, cơ quan này còn đề nghị giá điện của nhóm khách hàng này sẽ được chia theo giờ cao điểm, thấp điểm và trung bình; áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng) cho nhóm khách hàng này; quy định lộ trình triển khai hình thức bán điện này.
Ngoài ra, theo VCCI, việc áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng) là hướng đi đúng đắn và cần được đẩy mạnh. Tuy nhiên, dự thảo cũng chưa đưa ra biện pháp cụ thể nào để thực hiện mục tiêu này. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể hơn về cơ chế giá điện 2 thành phần.
Theo đó, giao cho Bộ Công Thương quy định chi tiết về lộ trình thí điểm cơ chế giá điện hai thành phần. Theo đó, tại những khu vực cho phép thí điểm, khách hàng có quyền lựa chọn cơ chế giá (theo cơ chế thông thường hoặc cơ chế hai thành phần) khi giao kết hợp đồng mua bán điện.
"Quy định như vậy sẽ giúp cho quá trình thực thi được đẩy mạnh, tránh điểm nghẽn về cơ sở pháp lý khi một số công ty điện lực có đủ khả năng để triển khai", cơ quan này góp ý.