Kinh tế trưởng ADB: Hạ lãi suất, nhìn vào các nước khác để rút kinh nghiệm
Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ngày 15/10, trong tuần giao dịch gần nhất, lãi suất qua đêm bằng VND trên thị trường liên ngân hàng đã rơi về 0,1%/năm. Mức lãi suất này chưa từng có trong hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Lãi suất về gần 0%
Cụ thể, trong tuần từ 5-9/10, NHNN cho biết, đối với các giao dịch bằng VND, lãi suất bình quân liên ngân hàng giảm nhẹ so với tuần trước. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 0,1%/năm, 0,23%/năm và 0,45%/năm. Các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (66% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 1 tuần (17% tổng doanh số giao dịch).
Hồi đầu năm, các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn tương tự vẫn được áp dụng mức lãi suất 1,69%/năm. Tuy nhiên, sau chưa đầy 10 tháng, thống kê cho thấy lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm đã giảm hơn 16 lần, xuống gần 0%/năm.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VND của TCTD có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,5-3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0-7,0%/năm.
Lãi suất cho vay trên thị trường 1 ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng cho một số lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Thận trọng khi giảm thêm lãi suất
Công ty chứng khoán SSI Research nhận định, dù dịch bệnh đã được kiểm soát và thị trường bước vào quý cuối năm - thường là cao điểm về nhu cầu vốn, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn yếu và thấp hơn khá nhiều (khoảng 2%) so với tăng trưởng huy động. Với xu hướng này, tiền đồng vẫn tiếp tục dư thừa trong hệ thống các ngân hàng, kéo theo lãi suất sẽ vẫn đi ngang ở vùng thấp từ nay đến cuối năm. Điều này đồng nghĩa với xu hướng "tiền rẻ" vẫn chưa kết thúc trên thị trường liên ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế dự báo từ nay đến cuối năm, NHNN vẫn còn dư địa để hạ lãi suất, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong tháng 10. Tuy nhiên, mức giảm cũng không quá sâu vì lạm phát vẫn duy trì ở mức khá cao, nên lãi suất huy động buộc phải giữ ở mức đủ hấp dẫn để "giữ tiền trong ngân hàng" thay vì chạy sang các kênh đầu tư khác.
Liên quan đến dự báo lãi suất có thể tiếp tục hạ trong những tháng tiếp theo, chia sẻ bên lề Hội thảo khoa học "Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế", ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nêu khuyến nghị, NHNN tiếp tục hạ lãi suất cần cân nhắc lạm phát, vì lạm phát của Việt Nam đang ở gần mức 4%. Thậm chí, cơ quan quản lý cần tính toán đến mặt bằng lạm phát năm 2021 sẽ như thế nào trước khi đưa ra quyết định hạ lãi suất.
Ngoài ra, NHNN cần tính toán đến nhu cầu tín dụng. "Hạ lãi suất nữa thì doanh nghiệp có nhu cầu vay không? Đa số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động xuất khẩu, trong khi xuất khẩu đang giảm thì doanh nghiệp có vay không?", ông Cường đặt vấn đề.
Đối với các ngân hàng, việc tiếp tục giảm lãi suất sẽ tác động tới lợi nhuận ngân hàng, mà nhà băng cần duy trì tăng trưởng trong tương lai do đó, NHNN cũng cần phải thận trọng.
Hiện có một số ý kiến cho rằng từ nay đến cuối năm nếu NHNN không hạ lãi suất điều hành thì vẫn có thể tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách trực tiếp bơm tiền với giá rẻ cho ngân sách nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Cường phân tích, vấn đề là bơm thêm tiền vào đâu và để làm gì, vì tăng trưởng tín dụng thấp, nhu cầu vay vốn đang yếu và chưa có, như vậy sẽ tác động đến lạm phát.
"Một số nước đã cắt giảm lãi suất cơ sở về mức 0%, nhưng khả năng kích thích nền kinh tế chưa nhiều. Chúng ta phải nhìn vào các nước khác để rút kinh nghiệm", ông Cường nhấn mạnh.