KQKD quý I/2024: Đạm Phú Mỹ lãi 276 tỷ đồng, trữ tiền chiếm gần 50% tổng tài sản
Theo BCTC riêng vừa công bố, trong quý I/2024 CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã: DPM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.159,2 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, giá vốn hàng bán ở mức 2.602 tỷ đồng, tăng 14,6%. Lãi gộp kỳ này đạt 556,4 tỷ đồng, tăng 41% so với quý I/2023.
Doanh thu hoạt động tài chính của Đạm Phú Mỹ giảm 59,6% xuống 27,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng 166,2 tỷ đồng, chi phí quản lý 87,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,3% và 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khép lại quý I/2024, DPM ghi nhận hơn 276 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng tài sản của Đạm Phú Mỹ tính tới 30/3/2024 đạt 13.592,3 tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm. Trữ tiền đạt gần 6.638 tỷ đồng (chiếm gần 49% tổng tài sản), tăng gần 6% so với đầu năm, trong đó gần như toàn bộ là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn. Hàng tồn kho giảm nhẹ xuống 1.724,7 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng tới 22% lên 1.948,6 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là khoản phải trả người bán ngắn hạn với hơn 1.047 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước kỳ này gấp 7,6 lần so với đầu năm, ở mức 27,7 tỷ đồng. DPM không có khoản vay nợ nào. Vốn chủ sở hữu của DPM đạt 11.634 tỷ đồng, trong đó có 3.164 tỷ đồng lãi sau thuế chưa phân phối.
Năm 2024, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 12.755 tỷ đồng, giảm 9% so với thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ở mức 542 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức gần 570 tỷ đồng của năm 2023. Công ty dự kiến nộp Ngân sách Nhà nước 263 tỷ đồng.
Năm nay, Đạm Phú Mỹ cần hơn 666 tỷ đồng cho vốn đầu tư, trong đó 443 tỷ đồng là mua sắm tài sản, trang thiết bị và 223 tỷ là đầu tư xây dựng cơ bản. Doanh nghiệp dự kiến sử dụng vốn chủ sở hữu, không đi vay thêm.
SSI Research ước tính lợi nhuận năm 2024 của các công ty phân bón tăng 40% so với cùng kỳ. Định giá của các công ty phân bón cao hơn mức P/E giai đoạn 2021-2022 là 6x khi các doanh nghiệp có lợi nhuận cao đột biến nhưng vẫn thấp hơn P/E trung bình giai đoạn 2015-2020 là 12x.
Các yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu bao gồm xung đột ở Trung Đông kéo dài có thể làm gián đoạn nguồn khí đốt tự nhiên và nguồn cung urê trong khu vực đó. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu urê khác, trong đó có Việt Nam.
Chính phủ có thể xem xét thay đổi trạng thái thuế giá trị gia tăng đối với các doanh sản xuất phân bón từ "không chịu thuế giá trị gia tăng" sang "chịu 5% giá trị gia tăng". Vấn đề này dự kiến sẽ được thảo luận trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2024 và có thể được thông qua sớm nhất tại kỳ họp Quốc hội tiếp theo (tháng 10/2024). Nếu dự thảo được thông qua, thay đổi dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2025 trong kịch bản tốt nhất.