KQKD quý II/2024: Nhựa Tiền Phong (NTP) báo lãi quý lập đỉnh, cổ phiếu lập tức tăng vọt
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, Nhựa Tiền Phong ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 1.680 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 63% lên hơn 553 tỷ đồng kéo theo biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 28% lên 33%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận giảm nhẹ từ 21,5 tỷ xuống còn hơn 20,4 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 41% lên hơn 43 tỷ đồng. Chi phí bán hàng ghi nhận tăng từ hơn 131 tỷ lên hơn 205 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại ghi nhận được tiết giảm gần 5% xuống còn 51,9 tỷ đồng.
Cuối cùng, Nhựa Tiền Phong báo lãi trước và sau thuế lần lượt đạt 284,5 tỷ và 238,2 tỷ đồng; tăng 87,5% và 70,2% so với quý II/2023 - đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất của Công ty kể từ khi niêm yết tới nay.
Theo biên bản giải trình, lãnh đạo Nhựa Tiền Phong cho biết: lợi nhuận sau thuế quý này tăng chủ yếu là do doanh thu bán hàng tăng mạnh.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, Nhựa Tiền Phong ghi nhận đạt 2.629 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 4% so với 6 tháng đầu năm trước. Công ty báo lãi trước thuế đạt 415 tỷ đồng, tăng 45%.
Trong năm 2024, Nhựa Tiền Phong lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần dự kiến đạt 5.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 550 tỷ đồng. Như vậy, sau hai quý đầu năm, Công ty đã thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của Nhựa Tiền Phong đạt 5.596 tỷ đồng, tăng 3% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt 2.126 tỷ đồng, tăng 48%; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 37%, xuống còn 562 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 16%, còn 969 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Nhựa Tiền Phong đạt 2.318 tỷ đồng, tương đương với hồi đầu năm; trong đó, dư nợ vay ngắn hạn là 948 tỷ đồng, giảm 44%; người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng mạnh từ hơn 10,5 tỷ lên tới hơn 791 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 3.278 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 764 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất tại Nhựa Tiền Phong là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với 37,1% vốn.
Trong thông báo gần đây nhất của SCIC, đơn vị này có kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại Nhựa Tiền Phong theo danh sách thoái vốn nhà nước đợt 2 năm 2024 với 31 doanh nghiệp.
Cổ phiếu Nhựa Tiền Phong tăng vọt, tạo đỉnh lịch sử
Sau khi bức tranh kinh doanh quý II được công bố ra với nhiều gam màu tươi sáng, ngay lập tức, cổ phiếu NTP tăng vọt tới đỉnh lịch sử khi kết phiên ngày 25/7. Thị giá NTP tăng mạnh 6,46% dừng ở mốc 61.000 đồng/cổ phiếu, qua đó thiết lập mức giá cao nhất trong lịch sử gần 18 năm niêm yết trên sàn. Vốn hoá thị trường đạt mức gần 8.700 tỷ đồng, cao hơn tới 77% so với thời điểm đầu năm.
Hiện tại, ở phiên giao dịch sáng ngày 26/7, cổ phiếu NTP hiện vẫn đang đứng ở mức tham chiếu 61.000 đồng/cổ phiếu.