Lạc quan nhất cho năm 2023, VN-Index có thể từ vùng đáy lên đỉnh cũ 1.400-1.500
Chưa có năm nào mà “cá mập” lại bị săn như năm 2022
Thị trường chứng khoán trải qua một năm 2022 đầy biến động, thăng trầm, lên xuống khó lường. Hướng tới năm 2023, nhiều người cho rằng bức tranh kinh tế vĩ mô sẽ có nhiều điểm sáng và tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.
Nhìn lại năm 2022, ông Phạm Quang Huy – Giám đốc Khối Trung tâm khách hàng Cao cấp (Chứng khoán KB), nhà sáng lập nền tảng đầu tư WTM Platform cho rằng, năm 2022 là một bài toán khó nhất từ khi thị trường chứng khoán được thiết lập đến nay.
Năm 2022, ngoài bất lợi từ bên ngoài thì còn câu chuyện khá riêng của nền kinh tế Việt Nam, liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Dòng vốn phải xử lý nhiều vấn đề nên rút ra nhanh, gây hiện tượng giải chấp chéo, khiến thanh khoản thị trường giảm sút.
"Chưa có năm nào mà “cá mập” lại bị săn, nhưng năm vừa qua nhiều cổ đông lớn, chủ tịch, giám đốc điều hành doanh nghiệp trở thành “con mồi” khi sử dụng margin quá lớn, tức là dùng cổ phiếu để đảm bảo vay vốn quay vòng cho sản xuất kinh doanh. Khi thị trường khó khăn, việc bán giải chấp gây ra hiệu ứng tiêu cực, càng làm cho giá cổ phiếu giảm. Rất nhiều cổ phiếu chiết khấu 60-90%, nếu nhà đầu tư dùng đòn bẩy lớn sẽ mất trắng", ông Huy nói.
Theo vị Giám đốc này, giai đoạn 2008-2009 mức giảm điểm cũng nhiều, nhanh nhưng quy mô thị trường lúc đó chưa lớn, hoạt động cấp cho vay margin không phổ cập như bây giờ.
Bức tranh tươi sáng năm 2023
Theo ông Phạm Quang Huy, bức tranh năm 2023 sẽ có những điểm sáng hơn 2022. Khó khăn nhất dường như đã qua đi. Sau khi lạm phát Mỹ đạt đỉnh điểm trong tháng 9 và giảm trong tháng 10, tốc độ tăng lãi suất của Fed cũng chậm lại. Dòng tiền không còn bị rút ra, tâm lý nhà đầu tư cũng cải thiện...
Ông Huy cho rằng, năm 2023, triển vọng của các doanh nghiệp cũng tươi sáng hơn. Từ tháng 12/2022, Trung Quốc đã có động thái mở cửa, đây là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Cộng với thị trường Mỹ và châu Âu đã khai thác rất tốt trong năm 2022, hàng hoá của Việt Nam hứa hẹn sẽ được tiêu thụ mạnh hơn. Bên cạnh đó là việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các chương trình phục hồi kinh tế xã hội vẫn tiếp tục...
Tình hình chính trị thế giới, chiến sự, ảnh hưởng đến giá dầu, tỷ giá... vẫn là những rủi ro tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam với tình hình vĩ mô ổn định sẽ vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho các dòng vốn đầu tư toàn cầu. Năm 2022, dù thế giới nhiều biến động nhưng chúng ta vẫn đạt tăng trưởng cao, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội… Đây chính là tiền đề xây dựng bức tranh năm 2023 tươi sáng hơn.
"Kịch bản lạc quan nhất cho năm 2023 là VN-Index đi ngang trong biên độ rộng từ vùng đáy lên đỉnh cũ 1.400-1.500. Còn để vươn lên mức cao hơn thì cần thời gian lâu hơn. Trong quá trình phục hồi, chỉ số có thể gặp trắc trở vì dòng tiền còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Còn ở kịch bản trung lập, VN-Index sẽ hồi về điểm cân bằng 1.200-1.300, từ đó tạo dựng nền móng mới, bệ phóng mới để đi lên. Nhà đầu tư nên hướng vào những cổ phiếu là xương sống của nền kinh tế", ông Huy nói.
Theo ông Huy, thị trường biến động sẽ mở ra cơ hội đầu tư tốt, bởi lúc các cổ phiếu giảm sâu thì 1 đồng mua được 5-7 lần so với thời điểm tăng giá. Nền kinh tế vẫn tăng trưởng, cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đều tích cực, trong khi giai đoạn vùa qua, cổ phiếu của các doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế như HPG, FPT, hạ tầng điện nước, ngân hàng... đều bị ảnh hưởng liên đới. Nhà đầu tư biết tận dụng tích lũy cổ phiếu hàng đầu sẽ nắm giữ lợi thế lớn trong tương lai.
Thị trường khủng hoảng, chúng ta vẫn có thể có cơ hội
Chia sẻ về kiến thức đầu tư, ông Huy cho rằng, dù thua lỗ hay kiếm được nhiều lợi nhuận thì nhà đầu tư đều không được phép ngừng học tập trau dồi kiến thức, bởi thị trường chứng khoán biến động không ngừng và luôn có nhiều bài học mới. Học tập chính là cách hoàn thiện bản thân tốt nhất và đây cũng sẽ là chìa khoá để nhìn ra “vàng” khi cơ hội tới. Thực tế, nhiều nhà đầu tư không nắm rõ đã lầm tưởng “vàng” là “đồng thau” và bán đi với một cái giá rất rẻ.
Bài học thứ hai là khi thị trường khủng hoảng, chúng ta vẫn có thể có cơ hội. “Cơ hội không đến thường xuyên. Khi cơn mưa vàng rớt xuống, hãy lấy xô ra hứng chứ đừng dựng một con đê để chắn nó”. Đây là câu nói rất hay của nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại Warren Buffett.
Thị trường chứng khoán trong tương lai luôn đạt được mức cao mới, kỷ lục mới bởi đơn giản nền kinh tế của đất nước nói riêng và thế giới nói chung luôn vận động để phát triển đi lên. Thực tế thời gian qua, có những cổ phiếu của các công ty đầu ngành đã về mức định giá quá rẻ. Họ vẫn đang sản xuất kinh doanh tốt, có lợi nhuận đều đặn, trả cổ tức hàng năm.
Bài học quan trọng tiếp theo là quản trị rủi ro. Nhà đầu tư mới (F0) khá hời hợt trong quản trị rủi ro khi tham gia thị trường chứng khoán. Họ thường nóng ruột và bị thị trường hấp dẫn khiến giao dịch mất kiểm soát. Thông thường, họ bắt đầu bằng một số vốn nhỏ, khi lợi nhuận tăng trưởng hấp dẫn khoảng 30% thì dồn vốn gấp 4 hay 5 lần vào. Sau đó tăng trưởng thêm 10-20% thì lại tiếp tục gia tăng mua và vòng xoáy liên tục tái diễn.
Khi thị trường uptrend, nhà đầu tư đang trong cơn say sẽ khó nhận ra mình rơi vào rủi ro vượt quá giới hạn. Chỉ đến khi tình thế đảo chiều thì mới nhận ra và thường đã là khá muộn bởi khi đó, chỉ cần một đợt điều chỉnh sẽ có thể xoá bỏ toàn bộ thành quả từ trước đến nay. Do vậy, nhà đầu tư không nên để thị trường hấp dẫn giải ngân vượt quá giới hạn trong khi bức tranh đầu tư chưa rõ ràng
Để quản trị rủi ro tốt, trước hết nhà đầu tư cần nhìn trước các tác động xấu. Như việc Fed tăng lãi suất, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng vốn toàn cầu. Hay những sự kiện “thiên nga” như xung đột chính trị, lạm phát, khủng hoảng năng lượng, thiên tai, dịch bệnh… Mọi người thường nghĩ chúng khó xảy ra, nhưng nếu có thể dự đoán từ khi manh nha thì nhà đầu tư có thể có chiến lược đầu tư thông minh hơn.
Để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư trước khi tham gia thị trường cũng cần xác định rõ bản thân phù hợp với phong cách nào, đầu tư hay đầu cơ? Số vốn cụ thể tham gia, thời gian sử dụng vốn kéo dài bao lâu, từ đó lên kế hoạch kiểm soát rủi ro bằng các chiến lược quản lý tỷ trọng chi tiết theo từng thời điểm. Bài toán phân bổ vốn là vô cùng quan trọng, do vậy kế hoạch này càng rõ ràng bao nhiêu thì khả năng kiểm soát rủi ro sẽ càng tốt bấy nhiêu.
"Cuối cùng, người đầu tư thành công là người biết kiềm chế cảm xúc. Cảm xúc theo chiều hướng nào nếu quá đà cũng thường đem đến những hệ luỵ tai hại. Không nên thấy đám đông chạy theo cổ phiếu nào mà mình cũng chạy theo cổ phiếu đó", ông Huy nói.